Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đan Phượng: tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hơn 2.500 DN đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, những năm qua, cộng đồng DN đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đan Phượng.

UBND huyện và các cơ quan, ban, ngành cũng quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hoạt động, phát triển sản xuất theo quy định của pháp luật.

Đóng góp nguồn thu ngân sách quan trọng

Là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, đang trong quá trình thực hiện đề án phát triển thành quận, hoạt động kinh tế trên địa bàn huyện Đan Phượng phát triển khá sôi động. Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các cụm công nghiệp.

Đến nay, huyện đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đan Phượng (giai đoạn 2), tổ chức khởi công và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Song Phượng diện tích 6,68ha. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng xây dựng Cụm công nghiệp Hồng Hà nhằm tạo điều kiện mặt bằng sản xuất cho các DN, hộ sản xuất.

Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Thiết bị điện MBT, Khu công nghiệp Sông Cùng, huyện Đan Phượng. Ảnh: MBT
Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Thiết bị điện MBT, Khu công nghiệp Sông Cùng, huyện Đan Phượng. Ảnh: MBT

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng cho biết, 9 tháng năm 2024, toàn huyện có 293 DN mới thành lập với số vốn đăng ký 1.236 tỷ đồng, nâng tổng số DN trong huyện lên 2.556 DN, với tổng số vốn 24.192 tỷ đồng. Hoạt động của các ngân hàng, tổ chức tín dụng tiếp tục được duy trì, đáp ứng nhu cầu vay vốn của Nhân dân.

Trong đó, Ngân hàng NN&PTNT huy động 5.350 tỷ đồng, tổng dư nợ 1.340 tỷ đồng; Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện cho vay 8 chương trình tín dụng chính sách với hơn 9.361 khách hàng vay vốn, tổng dư nợ 535 tỷ đồng, hỗ trợ trên 3.000 lượt khách hàng được vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh…

Giai đoạn 2020 - 2024, trên địa bàn huyện trung bình có 2.157 DN hoạt động, hàng năm đóng góp thu ngoài quốc doanh trên 165 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước. Dự kiến năm 2024, số nộp ngoài quốc doanh thu được 228 tỷ đồng, đạt 118% so với thực hiện năm 2023. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của DN đạt 8%, tốc độ tăng trưởng số thuế giai đoạn 2020 - 2024 khoảng 22%.

Hoạt động của các DN đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Theo báo cáo của UBND huyện Đan Phượng, trong 9 tháng năm 2024, tổng giá trị sản xuất (theo giá cố định năm 2010) ước thực hiện hơn 16.400 tỷ đồng, đạt 76,74% kế hoạch, tăng 13,66% so với cùng kỳ.

Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước đạt hơn 7.700 tỷ đồng, đạt 77,57% kế hoạch, tăng 14,01% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất ngành dịch vụ - thương mại ước đạt 7.855 tỷ đồng, đạt 75,86% kế hoạch, tăng 15,09% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt gần 1.100 tỷ đồng, đạt 27,6% dự toán TP và huyện giao, bằng 263% so với cùng kỳ. Toàn huyện giải quyết việc làm mới cho 4.775 lao động, huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều…

“Bên cạnh việc tập trung sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, các DN, doanh nhân cũng luôn đồng hành, chia sẻ cùng huyện trong các hoạt động nhân đạo, từ thiện, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng chia sẻ.

Đồng hành cùng doanh nghiệp

Thời gian qua, huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho các DN, nhà đầu tư. Theo đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chủ động nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN, bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự tại các cụm công nghiệp, làng nghề, đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian, thủ tục cho DN.

Theo kết quả công bố mới nhất về công khai kết quả Bộ chỉ số phục vụ người dân và DN trong tháng 9/2024, tổng số điểm huyện Đan Phượng đạt được tháng 9/2024 là 70,85/100 điểm, xếp hạng 10/30 quận, huyện (tăng 0,32 điểm).

Cùng với đó, huyện đang đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế và hướng dẫn cài đặt eTax Mobile. Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, huyện đã đề nghị Chi cục Thuế huyện phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng tập huấn, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người nộp thuế cài đặt ứng dụng eTax Mobile, phấn đấu đến ngày 31/10 hoàn thành 70%, đến cuối năm 2024 đạt 100%.

“Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực thuế sẽ giúp cá nhân, hộ gia đình và DN giảm thời gian, không phải chờ đợi lâu khi đến giao dịch, góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách hàng năm của huyện” - bà Đào Thị Hồng chia sẻ.

Theo lãnh đạo huyện Đan Phượng, mặc dù tăng nhanh về số lượng, nhưng đa số DN trên địa bàn có quy mô vừa và nhỏ, chi phí sản xuất cao, chất lượng sản phẩm còn hạn chế. Nhiều DN hoạt động cầm chừng, một số DN thiếu mạng lưới phân phối, tiếp thị nên khó tiếp cận thị trường. Đặc biệt, huyện chưa có nhiều DN, doanh nhân có thương hiệu lớn.

Giám đốc Công ty TNHH Phát triển thương mại Thắng Lợi (xã Thọ An, huyện Đan Phượng) Trần Văn Thắng đề nghị, lãnh đạo địa phương có những giải pháp thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa về thủ tục hành chính trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho các DN được thuê đất dài hạn lâu năm, để họ mạnh dạn đầu tư máy móc công nghệ cao áp dụng vào sản xuất, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, phù hợp với thị hiếu và người tiêu dùng. Đồng thời kết nối, tổ chức thường xuyên những cuộc trao đổi, học hỏi giữa các DN để họ chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay, đoàn kết giúp nhau cùng nhau phát triển.

Tại buổi gặp mặt các DN, doanh nhân trên địa bàn mới đây, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đan Phượng Lê Văn Thìn ghi nhận, đánh giá cao những kết quả, sự đóng góp của cộng đồng DN, đội ngũ doanh nhân huyện trong những năm qua đã góp phần quan trọng trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, đề nghị các DN, doanh nhân huyện tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò tự lực cánh sinh và đoàn kết, năng động, sáng tạo, chủ động tháo gỡ khó khăn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm; không ngừng học hỏi nâng cao trình độ quản lý, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, chuyển đổi số để phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đồng thời nâng cao đạo đức sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu; tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội từ thiện nhân đạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng huyện ngày càng giàu đẹp,văn minh, hiện đại.

“UBND huyện và các cơ quan, ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, doanh nhân phát triển đúng theo quy định của pháp luật” - ông Lê Văn Thìn cho biết.

 

Thời gian tới, chính quyền xã sẽ phối hợp với các phòng, ngành liên quan tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các DN phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho lao động, đóng góp tích cực vào sự phát triển và tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Chủ tịch UBND xã Thọ An (huyện Đan Phượng) Nguyễn Văn Bắc