70 năm giải phóng Thủ đô

Huyện Đan Phượng tập trung khắc phục hậu quả do mưa bão

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 8/9, sau khi bão số 3 (bão Yagi) suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, huyện Đan Phượng tập trung đánh giá, khắc phục hậu quả thiên tai, huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Sáng 8/9, bão số 3 đã di chuyển lên các tỉnh Tây Bắc Bộ và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Trên địa bàn huyện Đan Phượng mưa đã giảm, không còn gió giật. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3, lượng mưa đo được trung bình toàn huyện từ 17 giờ ngày 6/9 đến 5 giờ 00 ngày 8/9 là 140mm. Riêng ngày 7/9 là 89 mm, trong đó vị trí đo được tại thị trấn Phùng lên tới 170mm.

Lực lượng chức năng xử lý cây đổ chắn ngang đường Quốc lộ 32 cũ, đoạn qua xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.
Lực lượng chức năng xử lý cây đổ chắn ngang đường Quốc lộ 32 cũ, đoạn qua xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng.

Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng, tính đến sáng 8/9, trên địa bàn huyện chưa xảy ra tình trạng úng ngập cũng như sự cố đê điều.

Tuy nhiên mưa bão đã gây ra sự cố về điện, đổ 23 cột điện tại xã Phương Đình, Hạ Mỗ, Liên Hồng, Song Phượng, Đồng Tháp, Liên Hà, Thọ Xuân (trong đó 9 cột điện trung thế từ UBND xã Liên Hồng đến cổng làng Trúng Đích) và 1 sự cố Trạm biến áp xã Liên Trung làm mất điện cục bộ tại một số xã. Huyện Đan Phượng đã chỉ đạo Công ty Điện lực Đan Phượng đang tập trung khắc phục sự cố, đảm bảo cấp điện cho nhân dân sớm nhất. Ước thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng.

Mưa bão cũng làm 199 cây xanh bị gãy, đổ, nghiêng. Hầu hết số lượng cây xanh bị đổ đã được cắt tỉa, di chuyển, đảm bảo an toàn đi lại cho Nhân dân. Trong đó 78 cây sấu trên tuyến đường Đan Phượng - Tân Hội bị nghiêng có thể khắc phục được.

Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải và lãnh đạo Công an huyện Đan Phượng kiểm tra hiện trường, động viên lực lượng thu dọn, xử lý cây xanh bị đổ tại thị trấn Phùng.
Bí thư Huyện ủy Đan Phượng Trần Đức Hải và lãnh đạo Công an huyện Đan Phượng kiểm tra hiện trường, động viên lực lượng thu dọn, xử lý cây xanh bị đổ tại thị trấn Phùng.

Về sản xuất nông nghiệp, theo báo cáo của các xã, thị trấn sơ bộ thống kê có khoảng 6,7ha diện tích trồng trọt bị ảnh hưởng, trong đó diện tích lúa đổ nghiêng 1,2ha, ngô 0,36ha, chuối 7ha (đổ khoảng 2%, tương đương 0,14ha), rau màu 4ha.

Đáng chú ý, trên địa bàn huyện có 4 lồng cá nuôi trên sông Hồng bị vỡ, thiệt hại khoảng 4 tấn cá. Rất may không có thiệt hại về người.

Theo thông tin từ Công an huyện Đan Phượng, trong ngày và đêm 7/9, Công an huyện đã cử lực lượng xuống phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tập trung xử lý các sự cố do mưa bão. Trong đó vào hồi 20 giờ 15, ngày 7/9, nhận tin từ người dân có cây đổ ra đường Quốc lộ 32 đoạn gần siêu thị nông sản (cả 2 hướng đường, số lượng cây đổ rất nhiều) cản trở giao thông, cây đổ tại tuyến đường khu trung tâm thể thao huyện số 61 khu Gò Mèo, Công an huyện Đan Phượng đã xuất 1 xe chỉ huy, 3 xe chữa cháy, 1 xe thép gai (có cần cẩu) cùng 29 cán bộ chiến sĩ phối hợp với Công an xã thị trấn Phùng, các lực lượng của UBND thị trấn xử lý sự cố cây đổ trên tuyến đường.

Lực lượng chức năng khơi thông miệng cống, bảo đảm tiêu thoát nước.
Lực lượng chức năng khơi thông miệng cống, bảo đảm tiêu thoát nước.

Tiếp đến 21 giờ 20 phút ngày 7/9 nhận tin từ Công an xã Đồng tháp có cây to đổ trên tuyến đường Quốc lộ 32 gần đập tràn, Công an huyện Đan Phượng đã điều động xe đang làm nhiệm vụ tại thị trấn Phùng cùng cán bộ chiến sĩ phối hợp với Công an xã Đồng Tháp, UBND xã Đồng Tháp đi xử lý cây đổ.

Đặc biệt, Công an huyện còn cử lực lượng phối hợp xử lý các sự cố đổ cột điện trong đêm 7/9, trong đó có cột điện cao thế đổ đoạn trước của Nhà máy dự án nước mặt sông Hồng chắn ngang đường.

Trước đó, huyện Đan Phượng cũng đã xây dựng phương án đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cần thiết; kiểm tra, di dời 58 hộ có nhà ở xuống cấp, không đảm bảo thuộc hộ cận nghèo đến nơi an toàn, vận động đưa 11 hộ vạn chài và 1 hộ ven sông lên bờ tránh trú an toàn. Huyện cũng đã chỉ đạo hỗ trợ nhu yếu phẩm và thực phẩm cho các hộ vạn chài lên bờ tránh trú bão và các hộ cận nghèo, khó khăn.

Hầu hết số lượng cây xanh bị đổ đã được cắt tỉa, di chuyển, đảm bảo an toàn đi lại cho Nhân dân.
Hầu hết số lượng cây xanh bị đổ đã được cắt tỉa, di chuyển, đảm bảo an toàn đi lại cho Nhân dân.

Về các nhiệm vụ tiếp theo sau khi bão suy yếu, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng cho biết, huyện tập trung đánh giá, khắc phục hậu quả thiên tai, huy động lực lượng tại chỗ khẩn trương dọn dẹp, thống kê thiệt hại, hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày.

Huyện cũng chỉ đạo Công ty Điện lực Đan Phượng, các tổ chức kinh doanh điện đánh giá thiệt hại, sớm khôi phục lưới điện, điều phối cấp điện cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt Nhân dân.

Đồng thời tiếp tục kiểm tra tình hình ngập úng, tiêu thoát nước và kịp thời có biện pháp khắc phục bảo vệ sản xuất nông nghiệp.