Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đan Phượng: Thắp đam mê từ những sới vật làng

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong khi ở nhiều nơi, sới vật ngày càng thưa vắng dần thì ở Đan Phượng, những hội vật làng vẫn nhộn nhịp người dân đến xem.

Từ những sới vật ấy, không chỉ thắp lên niềm đam mê với môn thể thao truyền thống mà còn tuyển chọn ra nhiều vận động viên (VĐV) chất lượng cho đội tuyển vật của huyện, TP Hà Nội cũng như quốc gia.

Sôi nổi đi xem hội vật

Suốt tuần qua, khi giải vô địch vật tự do, dân tộc truyền thống mừng Xuân Quý Mão TP Hà Nội năm 2023 diễn ra, sới vật Hồng Hà, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đông vui như ngày hội. Ngay từ sớm, dù trời mưa lất phất, khu vực xung quanh sới vật Hồng Hà đã có hàng trăm người dân tập trung tới xem giải đấu. Tuyến đường đê hữu Hồng cạnh sới vật nhộn nhịp xe cộ qua lại hơn thường lệ. Nhiều người đến sau không có chỗ ngồi ở khu vực khán đài phải đứng trên đê để xem đấu vật.

Mỗi trận đấu tại sới vật Hồng Hà, huyện Đan Phượng thu hút hàng nghìn người dân tới xem. Ảnh: Ngọc Tú
Mỗi trận đấu tại sới vật Hồng Hà, huyện Đan Phượng thu hút hàng nghìn người dân tới xem. Ảnh: Ngọc Tú

So với nhiều địa phương khác, sới vật Hồng Hà được đầu tư cơ sở vật chất khang trang với sàn thi đấu có mái che, khán đài dành cho khán giả và nhà điều hành. Khu vực xây dựng sới vật cũng khá rộng rãi, thoáng mát nên có thể phục vụ hàng nghìn người dân đến xem mỗi trận đấu.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, xã Tân Hội, huyện Đan Phượng chia sẻ, năm nào cũng vậy, cứ đến mùng 3, mùng 4 Tết là ông lại sang sới vật Hồng Hà để xem giải vật đầu Xuân.

“Năm nay, sới vật Hồng Hà được Sở VH&TT Hà Nội chọn làm địa điểm tổ chức Giải vô địch vật tự do, dân tộc truyền thống Hà Nội năm 2023, không chỉ mang đến món ăn tinh thần đặc sắc cho người dân mà còn kích thích giới trẻ thêm đam mê với môn thể thao truyền thống của dân tộc này” – ông Thắng bày tỏ.

Có mặt ở sới vật Hồng Hà mới thấy được không khí bùng nổ ở một giải đấu thể thao truyền thống gắn với đời sống lao động của người dân. Mỗi trận đấu đều diễn ra trong tiết tấu khá nhanh theo tiếng trống rộn rã của trọng tài cùng tiếng hò reo cổ vũ nhiệt tình của người dân.

Chia sẻ với Kinh tế & Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Phạm Văn Chiến cho biết, sới vật của xã được duy trì từ rất lâu đời nhưng mới được cải tạo lại từ năm 2019 để phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu cũng như tổ chức các giải vật truyền thống của địa phương. Đặc biệt, Hồng Hà cũng là nơi tổ chức rất nhiều giải vật lớn cả cấp quốc gia cũng như quốc tế.

“Năm 1986, sới vật Hồng Hà được chọn làm nơi tổ chức giải vật quốc tế có sự tham gia của các đô vật đến từ Uzbekistan, Ukraine, trong đó xã cũng có một số VĐV thi đấu. Năm 1997 tại Hồng Hà, diễn ra giải vật toàn quốc, năm 2014 là giải vật TP Hà Nội mở rộng…” – ông Phạm Văn Chiến cho biết.

Không chỉ xã Hồng Hà, từ nhiều năm nay, giải vật truyền thống hằng năm là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân các xã Thọ An, Thọ Xuân, Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng. Nhiều người dân địa phương chia sẻ, vui Xuân đón Tết mà thiếu tiếng trống vật thì đón năm mới dường như chưa trọn vẹn, đủ đầy. Người già truyền cho trẻ nhỏ, niềm đam mê với môn thể thao truyền thống được nối tiếp qua nhiều thế hệ.

Bởi thế mà cứ nơi đâu có trống vật là thu hút hàng trăm, hàng nghìn người dân tới xem các màn tỉ thí nảy lửa. Tham gia giải vật dân tộc mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão, đô vật Nguyễn Văn Đức - Câu lạc bộ vật xã Hồng Hà cho biết: "Tôi đam mê môn vật, tham gia thi đấu để rèn luyện sức khỏe và hơn hết là mong muốn gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc sắc của quê hương".

Lò tuyển chọn vận động viên chất lượng cao

Từ những năm 1990, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng đã xuất hiện nhiều đô vật lừng danh khắp vùng như Phạm Như Thái, Phạm Văn Tứ, Phạm Ngọc Hùng, Phạm Quang Sơn, Nguyễn Văn Hà… Hiện nay, sới vật Hồng Hà cũng là lò đào tạo ra nhiều đô vật tiêu biểu như Phạm Như Kiên, Phạm Như Duy, Nguyễn Văn Trường…

Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Phạm Văn Chiến cho biết, để bồi đắp, nuôi dưỡng tài năng cho môn vật, từ năm 2012, Câu lạc bộ vật xã Hồng Hà đã được thành lập, hiện đang có gần 60 thanh thiếu niên tham gia. Đặc biệt, câu lạc bộ còn tổ chức hoạt động kết nghĩa với Trung tâm Thể dục thể thao Quân đội. Hằng tháng, Trung tâm đều cử huấn luyện viên về sới vật Hồng Hà để hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng VĐV có năng khiếu của địa phương.

“Từ phong trào vật truyền thống, xã đã phát hiện nhiều VĐV tiêu biểu cho huyện, TP. Hiện xã có 2 VĐV đang trong đội tuyển vật quốc gia là Phạm Như Kiên, Nguyễn Văn Trường” – ông Phạm Văn Chiến phấn khởi cho biết.
Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Đào Thị Hồng cho biết, phong trào tập luyện và thi đấu môn vật hiện nay được phát triển mạnh mẽ trên địa bàn TP Hà Nội. Đây là môn vật truyền thống có từ lâu đời gắn liền với đời sống của Nhân dân lao động.

Môn vật của Hà Nội đóng góp nhiều VĐV tiêu biểu cho đội tuyển quốc gia tham gia các giải khu vực, châu Á, thế giới và đã đạt được nhiều huy chương. Tiêu biểu như VĐV Nguyễn Thị Lụa đạt Huy chương Bạc giải vật Olympic thế giới; VĐV Nguyễn Thị Mai, Cấn Tất Dự, Nguyễn Đình Long đạt Huy chương Vàng SEA Games trong nhiều năm.

Đối với huyện Đan Phượng, vật cũng là môn thể thao có thế mạnh, hằng năm đóng góp nhiều VĐV cho đội tuyển vật Hà Nội, quân đội, quốc gia và đạt nhiều huy chương như: VĐV Phạm Như Kiên đạt Huy chương Vàng giải trẻ Đông Nam Á, VĐV Phạm Như Duy đạt Huy chương Vàng giải vô địch Đông Nam Á tại Philippines.

Mới đây, tại giải vô địch vật tự do, dân tộc truyền thống mừng Xuân Quý Mão TP Hà Nội năm 2023 diễn ra từ 7 – 9/2, huyện Đan Phượng xuất sắc giành vị trí thứ 3 toàn đoàn sau huyện Hoài Đức và Thạch Thất với 3 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng.

“Thông qua giải vật phong trào truyền thống hằng năm là dịp để các VĐV giao lưu, tích lũy kinh nghiệm, phát hiện, bổ sung thế hệ VĐV kế cận cho Thủ đô thi đấu ở các giải quốc gia, quốc tế” – bà Đào Thị Hồng cho biết.

 

"Mặc dù xã đã được đầu tư xây dựng sới vật hàng tỷ đồng nhưng khó khăn hiện nay là kinh phí để duy trì hoạt động cho câu lạc bộ vật, chủ yếu trông chờ vào đóng góp của người dân cũng như các mạnh thường quân. Do đó, về lâu dài, xã mong muốn có cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ vật, nhằm phát huy môn thể thao truyền thống của dân tộc này." - Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Phạm Văn Chiến