Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng, mực nước sông Hồng hiện nay đang ở mức +10,4m dưới báo động I khoảng 40cm. Tuy nhiên, nước dâng cao cũng làm 502,8ha diện tích bãi sông bị ngập, hoa màu bị ngập 41ha (rau màu, chuối ngoài bãi sông).
Chính quyền địa phương đã tổ chức di dời 28 hộ chăn nuôi với 1.885 con lợn; 86 con trâu, bò, chó mèo; 8.762 gia cầm. Hiện chưa có thiệt hại về người.
Căn cứ các văn bản chỉ đạo, các công điện của TP về công tác ứng phó với nước sông Hồng lên cao, huyện Đan Phương đã kịp thời chỉ đạo kiểm tra toàn bộ hệ thống công trình phòng chống thiên tai trên địa bàn huyện. Đồng thời tổ chức thông tin, tuyên truyền thường xuyên tới Nhân dân về diễn biến nước sông và kỹ năng phòng tránh đảm bảo an toàn về người và tài sản, tranh thủ thu hoạch sớm các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản. Di dời toàn bộ 28 hộ dân chăn nuôi ngoài bãi sông đến nơi an toàn.
Theo rà soát, huyện Đan Phượng có 196 hộ dân tại xã Trung Châu có nguy cơ ngập với số nhân khẩu phải di dời là 290. Trong đó, tại thôn 10, thôn 11, Vạn Vỹ có 17 hộ gia đình chính sách và 69 nhà cấp 4.
Thời gian tới, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đan Phượng tiếp tục tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình nước sông, triển khai ngay các phương án phòng chống lũ theo phương án được phê duyệt đảm bảo an toàn cho người dân.
Triển khai các lực lượng xung kích, phòng chống thiên tai thường trực 24/24 giờ để sẵn sàng thực hiện phương án hộ đê, khắc phục các sự cố. Xây dựng phương án ứng phó với tình huống lũ sông Hồng lên báo động số 1, 2, 3 để có các giải pháp ứng phó, khắc phục kịp thời.
Trước đó, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 từ ngày 6 - 9/9, huyện Đan Phượng có mưa to. Lượng mưa đo được trung bình toàn huyện từ 17 giờ ngày 6/9 đến 6 giờ 00 ngày 9/9 là 140,0mm.
Mưa lớn và gió giật mạnh đã làm đổ 27 cột điện tại xã Phương Đình, Hạ Mỗ, Liên Hồng, Song Phượng, Đồng Tháp, Liên Hà, Thọ Xuân và 1 sự cố Trạm biến áp xã Liên Trung làm mất điện cục bộ tại một số xã. Huyện đã chỉ đạo Công ty Điện lực Đan Phượng tập trung khắc phục sự cố, đảm bảo cấp điện cho Nhân dân sớm nhất. Ước thiệt hại khoảng 1,4 tỷ đồng.
Toàn huyện có 727 cây xanh bị gãy, đổ, nghiêng (xảy ra ở tất cả các xã, thị trấn). Diện tích sản xuất trồng trọt bị thiệt hại là 34,2ha. Về chăn nuôi, có 12 con lợn chết, 170 gia cầm chết do tốc mái chuồng trại, mưa ướt. Về thủy sản vỡ 6 lồng cá nuôi trên sông Hồng, thiệt hại khoảng 4 tấn cá…
Huyện Đan Phượng đã xây dựng phương án đảm bảo cung ứng nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm cần thiết; tuyên truyền, vận động 24 hộ sinh sống trên sông lên bờ tránh trú bão (10 hộ dân làng Vạn Thắng Lợi xã Hồng Hà, 14 hộ dân Vạn Vỹ xã Trung Châu), bố trí 61 hộ có nhà ở xuống cấp đến các điểm tránh trú an toàn (trong đó có 22 họ cận nghèo). Địa phương đã hỗ trợ nhu yếu phẩm và thực phẩm cho 69 hộ (61 hộ nhà ở xuống cấp phải di chuyển, 5 họ Vạn Thắng Lợi và 3 hộ Vạn Vỹ không có nhà trên bờ).
Hiện nay, chính quyền địa phương và các ngành, đoàn thể huyện Đan Phượng đang tiếp tục hỗ trợ các gia đình chịu thiệt hại do mưa bão gây ra. Trong đó hộ bà Nguyễn Thị Lan, cụm 4, xã Tân Hội là trường hợp khá đặc biệt khi bà thuộc diện đơn thân, không có chồng con, sức khỏe kém.
Năm 2019, bà Lan bị thiệt hại đàn lợn 30 con do dịch tả châu Phi. Đợt bão số 3 vừa qua khiến cả đàn lợn 15 con đến ngày xuất chuồng gần như mất trắng, thiệt hại ước tính gần 100 triệu đồng. Bản thân bà Lan đang bị bệnh tim, trông chờ vào thu hoạch của đàn lợn để đi mổ…
Với tinh thần tương thân, tương ái, Ban Chỉ huy quân sự huyện Đan Phượng phối hợp cùng Đảng ủy, UBND, Ban Chỉ huy quân sự xã Tân Hội đã vận động, trao tặng hỗ trợ nhà bà Nguyễn Thị Lan số tiền gần 100 triệu đồng...