Nâng chuẩn quốc gia các trường học
Bước vào năm học 2023 – 2024, thầy và trò Trường Tiểu học Đồng Tháp, huyện Đan Phượng tràn đầy hứng khởi khi trường vừa được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Nhà giáo Đậu Thị Thanh Hoan – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tháp cho biết, trường được thành lập từ năm 1992, ban đầu chỉ có 2 dãy nhà cấp 4 với 16 phòng học. Cơ sở vật chất, trang thiết bị còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Được sự quan tâm của các cấp, đến nay diện tích đất của nhà trường mở rộng lên hơn 9.500m2. Trường được đầu tư xây mới hai dãy nhà lớp học 3 tầng với đầy đủ các phòng học, phòng chức năng, khu hiệu bộ, bếp ăn bán trú và công trình phụ trợ. Các phòng học có đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại, phục vụ tốt cho hoạt động giảng dạy.
“Việc được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 là điều kiện để nhà trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý, dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa” - nhà giáo Đậu Thị Thanh Hoan chia sẻ.
Cùng với Trường Tiểu học Đồng Tháp, thời gian qua, việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống trường lớp luôn được huyện Đan Phượng đặc biệt quan tâm. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD&ĐT phối hợp với các phòng, ban của huyện rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị để đề nghị tu sửa, bổ sung, đảm bảo các điều kiện xây dựng mới, nâng chuẩn, công nhận lại trường chuẩn quốc gia và các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Năm học 2022 - 2023 huyện đã xây dựng mới 1 trường chuẩn quốc gia mức độ 2 và nâng chuẩn quốc gia mức độ 2 cho 10 trường. Cụ thể, xây dựng mới Trường Mầm non Đan Phượng B với tổng kinh phí 88,9 tỷ đồng.
Huyện cũng đầu tư 10 dự án xây dựng mới các đơn nguyên ở 10 trường, bổ sung 50 phòng học và 14 phòng bộ môn, 15 phòng hành chính quản trị, 3 nhà ăn trú, 1 bếp ăn với tổng kinh phí 238,8 tỷ đồng. Phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng cũng tham mưu cải tạo, sửa chữa lớp học, phòng học chức năng, nhà giáo dục thể chất, sân trường, cổng trường... ở 24 trường với tổng kinh phí 73,805 tỷ đồng.
Cùng với đó, tham mưu tăng cường đầu tư trang thiết bị đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục toàn diện học sinh. Đầu tư mua sắm thiết bị dạy học tối thiểu lớp 3, lớp 7 cho các trường tiểu học và THCS trên địa bàn được kịp thời đáp ứng chương trình GDPT năm 2018 với kinh phí trên 30 tỷ đồng. Trong đó, quan tâm đầu tư phòng Tin học đảm bảo 1 học sinh/máy.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết thêm, các nhà trường phối hợp phụ huynh học sinh, các tổ chức xã hội, mạnh thường quân đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục trong chỉnh trang cảnh quan sư phạm theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp - thân thiện. Đồng thời đầu tư trang thiết bị, dụng cụ hỗ trợ học tập như máy tính, máy chiếu, tivi, đèn chiếu sáng, quạt mát, điều hòa, tủ lạnh, màn hình sân khấu, rèm che nắng, thiết bị vui chơi, vận động, cây trang trí, cây bóng mát... để con em có môi trường học tập tốt hơn với tổng trị giá các hiện vật lên tới trên 4,5 tỷ đồng.
Hệ sinh thái giáo dục xanh, hiện đại
Năm học 2023 - 2024, toàn huyện Đan Phượng có 55 trường công lập; 1.072 nhóm, lớp; 33 nhóm trẻ độc lập, tư thục với 38.805 học sinh. Đến nay, huyện Đan Phượng có 54/55 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 60% trường đạt chuẩn mức độ 2.
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, Phòng sẽ tiếp tục tham mưu Huyện ủy, HĐND, UBND huyện rà soát, quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại. Xây dựng cảnh quan sư phạm sáng - xanh - sạch - đẹp - thân thiện - an toàn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam, để phát triển kinh tế - xã hội, đối với giáo dục và đào tạo, quan điểm chỉ đạo của huyện là thường xuyên rà soát mạng lưới trường học, ưu tiên quy hoạch diện tích đất cho giáo dục. Xây dựng mới trường học và phòng học, phòng bộ môn, phòng chức năng ở các trường còn thiếu, xây dựng các khu giáo dục thể chất.
Bên cạnh đó, để đảm bảo công năng sử dụng và công trình mang tính thẩm mỹ, hiện đại, các trường xây dựng đều được chọn đơn vị tư vấn thiết kế có chất lượng, lấy ý kiến góp ý từ các ngành đến nhà trường và được Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến thực hiện. Huyện hướng tới hệ sinh thái giáo dục phải là hệ sinh thái xanh, hiện đại.
Về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, Huyện ủy Đan Phượng đã có Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số. UBND huyện có Kế hoạch số 115/KH-UBND ngày 15/4/2022 về ứng dựng công nghệ thông tin và chuyển đổi số ngành GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025 với mục đích cải tạo và đầu tư cơ sở hạ tầng, các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin của các trường học để xây dựng trường học điện tử, lớp học thông minh tiến tới giáo dục thông minh.
“Huyện sẽ nghiên cứu cơ chế thu hút đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo để có nhiều nhà giáo giỏi tâm huyết muốn gắn bó và cống hiến cho ngành. Bởi nhiều nhà giáo giỏi sẽ có nhiều học sinh giỏi. Đội ngũ ngành giáo dục là then chốt trong phát triển kinh tế - xã hội và tạo ra sản phẩm giáo dục chính là thế hệ tương lai” – ông Lê Thanh Nam nhấn mạnh.
Hiện nay, hạ tầng công nghệ thông tin đã cơ bản đáp ứng cho công tác quản lý và giảng dạy trong các trường học trên địa bàn huyện Đan Phượng. 100% phòng học, phòng chức năng trong các nhà trường có máy tính, máy chiếu hoặc tivi kết nối internet phục vụ giảng dạy. 39% (7/18 đơn vị) trường mầm non có phòng Kidsmart; 100% trường tiểu học, THCS có phòng máy tính cho học sinh; 100% trường tiểu học, THCS có phòng học ngoại ngữ có thiết bị nghe, nhìn, tivi tương tác, máy chiếu đa vật thể...