Huyện Đan Phượng xây dựng trường chuẩn quốc gia: Ưu tiên nguồn lực đầu tư

Thiên Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với 53/54 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 22 trường chuẩn quốc gia mức độ 2, huyện Đan Phượng là một trong những địa phương dẫn đầu toàn TP Hà Nội về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Các phòng học tại trường Tiểu học Đan Phượng, huyện Đan Phượng được trang bị đạt chuẩn quốc gia.
Các phòng học tại trường Tiểu học Đan Phượng, huyện Đan Phượng được trang bị đạt chuẩn quốc gia.

98,1% trường đạt chuẩn quốc gia

Sau một thời gian nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí, tháng 6 vừa qua, cô trò trường Mầm non Đan Phượng, huyện Đan Phượng vui mừng được đón nhận Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Thực tế, trường Mầm non Đan Phượng đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 từ năm 2009 và được công nhận lại vào năm 2015. Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, UBND xã Đan Phượng cùng Ban Giám hiệu nhà trường đã rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình phấn đấu đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Theo đó, xã đã đề xuất nâng cấp, xây dựng mới hệ thống phòng học đạt chuẩn với tổng số 19 phòng, bảo đảm đầy đủ tiện nghi, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. 100% phòng học có điều hòa, ti vi thông minh, bảng tương tác thông minh, bếp ăn được vận hành theo quy trình một chiều… Bên cạnh đó, cảnh quan sư phạm khang trang, thoáng với hệ thống cây xanh, đồ chơi, sân chơi tạo hứng thú cho trẻ đến trường.

Hiệu trưởng trường Mầm non Đan Phượng Nguyễn Thị Thủy cho biết, nhờ cơ sở vật chất được đầu tư, chất lượng giáo dục được nâng lên. Toàn trường có hơn 600 học sinh các nhóm lớp. “Kết quả đánh giá theo 5 lĩnh vực phát triển của trẻ mầm non đạt 92%, mẫu giáo đạt 98%, 100% trẻ đến trường được chăm sóc an toàn nên Nhân dân tin tưởng gửi gắm con vào trường” – bà Thủy chia sẻ.

Cùng với trường mầm non, xã Đan Phượng còn quan tâm đầu tư cơ sở vật chất cho trường tiểu học để đáp ứng tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Chủ tịch UBND xã Đan Phượng Nguyễn Văn Thông cho biết, công tác giáo dục luôn được Đảng ủy, chính quyền xã coi trọng và huyện quan tâm đầu tư. Ngoài cơ sở vật chất khang trang, hiện đại, các nhà trường còn chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn với trình độ đại học, thạc sĩ.

Đặc biệt, người dân trên địa bàn cũng rất tích cực tham gia xã hội hóa lắp đặt điều hòa, sân chơi cho trẻ cũng như xây dựng các quỹ khuyến học. Nhờ đó, đến nay cả trường mầm non và tiểu học của xã Đan Phượng đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Theo thống kê của Phòng DG&ĐT huyện Đan Phượng, trên địa bàn huyện có 54 trường học gồm 18 trường mầm non, 20 trường tiểu học, 16 trường THCS. Nhờ sự quan tâm sát sao về công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, trong 3 năm (2020 - 2022) huyện có thêm 5 trường đạt chuẩn quốc gia mới và 18 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Đan Phượng có 53/54 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 98,1%, trong đó có 22 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Huyện Đan Phượng phấn đấu đưa trường Mầm non Tân Hội B đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong năm 2022. Ảnh: Phạm Hùng  
Huyện Đan Phượng phấn đấu đưa trường Mầm non Tân Hội B đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong năm 2022. Ảnh: Phạm Hùng  

Nâng chất lượng giáo dục toàn diện

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của địa phương, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng cho biết, ngành giáo dục huyện đã tham mưu UBND huyện tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia từ cấp huyện tới các xã, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo các nhà trường thành lập Hội đồng tự đánh giá kiểm định chất lượng, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Cùng với đó, Phòng GD&ĐT huyện đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên phụ trách công tác kiểm định chất lượng của 100% trường mầm non, tiểu học, THCS. Đặc biệt, Phòng GD&ĐT huyện quan tâm tổ chức kiểm tra, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị hàng năm để tham mưu UBND huyện cấp kinh phí đầu tư, đảm bảo yêu cầu, tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia” – bà Bùi Thị Thu Hằng cho biết.

Trong năm học 2021 - 2022, huyện Đan Phượng đã đầu tư xây trường mới, các khối nhà lớp học, phòng chức năng, nhà giáo dục thể chất kết hợp với bể bơi, làm sân bóng đá mini cỏ nhân tạo, thư viện mở thân thiện ngoài sân trường, cải tạo cảnh quan sư phạm.... với tổng kinh phí hơn 593 tỷ đồng. Trong đó 6 trường được xây mới đồng bộ, hiện đại (4 trường đã hoàn thành, đưa vào sử dụng gồm THCS Thọ An, THCS Hồng Hà, Tiểu học Thượng Mỗ, Mầm non Tân Hội B) với tổng kinh phí hơn 500 tỷ đồng.

Hiện nay, huyện Đan Phượng chỉ còn trường Mầm non Tân Hội B chưa đạt chuẩn quốc gia do mới thành lập tháng 8/2021(được tách từ trường Mầm non Tân Hội), chưa đủ điều kiện thời gian xét. Trên thực tế, đây là ngôi trường được đầu tư mới khá hiện đại, khang trang với diện tích 8.200m2, quy mô 20 nhóm lớp và 596 học sinh. Mỗi lớp học có diện tích hơn 100m2, được bố trí phù hợp đảm bảo đủ điều kiện chăm sóc từ 25 - 35 trẻ. Cơ sở vật chất của nhà trường được trang bị tương đối đầy đủ với các phòng học, phòng chức năng như: Phòng sáng tạo nghệ thuật, phòng chiếu phim, phòng hoạt động thể chất, phòng âm nhạc, phòng học montessori…

“Các phòng học được thiết kế tỉ mỉ, bảo đảm môi trường học xanh, an toàn, thân thiện. Có thể nói, việc được trang bị đầy đủ các phòng chức năng giúp cho học sinh có trải nghiệm tốt hơn. Chất lượng giáo dục vì thế cũng được nâng lên đáng kể” – Hiệu trưởng trường Mầm non Tân Hội B Đỗ Thị Hằng cho biết.

Được biết, cuối tháng 8 vừa qua, đoàn công tác của Sở GD&ĐT Hà Nội đã về kiểm định chất lượng giáo dục và chuẩn quốc gia của trường Mầm non Tân Hội B. Qua kiểm tra, đoàn đã đánh giá cao về chất lượng các tiêu chí đạt được của trường, từ cơ sở vật chất đến chất lượng giáo dục cũng như việc xây dựng ngôi trường an toàn, thân thiện và hạnh phúc. Huyện Đan Phượng cũng phấn đấu đưa trường Mầm non Tân Hội B đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trong năm 2022, hoàn thành phủ sóng 100% trường chuẩn quốc gia.

Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Lê Thanh Nam cho biết, huyện luôn chỉ đạo ngành giáo dục rà soát mạng lưới trường học, hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, quan tâm đầu tư các phòng chức năng để bảo đảm phát triển giáo dục toàn diện. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhất là lực lượng giáo viên giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới.

“Ngành giáo dục cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục phục vụ dạy và học. Đồng thời đẩy mạnh công tác khuyến học, xã hội hóa, huy động sự quan tâm của toàn xã hội trong đầu tư, phát triển giáo dục” - ông Lê Thanh Nam đề nghị.

 

Năm học 2021 - 2022, ngành giáo dục Đan Phượng có 2.616 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 92,2%. Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường. Phát huy những kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm được rút ra từ thực tiễn, trong năm học 2022 – 2023, ngành giáo dục huyện tiếp tục tích cực chủ động tham mưu các cấp lãnh đạo để thực hiện tốt công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia trên địa bàn.

Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng Bùi Thị Thu Hằng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần