Cụ thể, trong năm qua, trên địa bàn huyện Đông Anh xảy ra 85 vụ vi phạm xây dựng trái phép, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, huyện còn tồn tại hàng trăm vi phạm đất đai, trật tự xây dựng đô thị từ những năm trước.
Từ đầu năm 2019 đến nay, với sự vào cuộc chủ động, quyết liệt của các phòng ban chức năng, UBND các xã, thị trấn trên cơ sở chỉ đạo chung của huyện, toàn bộ vi phạm phát sinh mới đã được xử lý dứt điểm. Ngoài ra, các đơn vị cũng đã xử lý được 305 vụ vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tồn đọng từ những năm trước.
Đáng chú ý, huyện đã tổ chức xử lý cưỡng chế được nhiều vụ việc phức tạp tồn tại kéo dài, gây bức xúc trong dư luận. Điển hình là 25 vụ vi phạm trên đất nông nghiệp tại xã Thuỵ Lâm; 34 trường hợp vi phạm đất nông nghiệp và hành lang quốc lộ 3 thuộc xã Xuân Canh. Xã Dục Tú cưỡng chế 7 ki-ốt chợ Lý Nhân và trạm trộn bê tông ở thôn Đình Tràng. Xã Vân Hà cưỡng chế 73 hộ sau làng Thiết Bình, 8 lán ven đường thôn Hà Khê và Thiết Úng; 1 nhà xưởng sản xuất của hộ ông Đỗ Văn Thanh ở thôn Thiết Úng. Xã Liên Hà cũng đã cưỡng chế 18 vụ sau làng Lỗ Khê, 14 hộ Đồng Kênh – Đại Vĩ, dỡ bỏ trạm bê tông thôn Giao Tác…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh, từ khi thực hiện Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 15/6/2018 của Chủ tịch UBDN huyện Đông Anh, công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các vi phạm phát sinh đều đã cơ bản được các xã, thị trấn phát hiện, xử lý kiên quyết ngay từ đầu.
Dù vậy, ông Linh cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh một số xã chủ động, tích cực trong công tác ngăn chặn, xử lý vi phạm, một số xã có tiến độ xử lý còn rất chậm, chưa quyết liệt như: Võng La, Đại Mạch, Thụy Lâm… Do đó, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp. Cùng với xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn đọng, huyện sẽ tập trung ngăn chặn, xử lý dứt điểm các vi phạm phát sinh mới.