Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Đông Anh: Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên sàn điện tử

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, toàn huyện Đông Anh (Hà Nội) có trên 40 mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi khép kín cho hiệu quả kinh tế cao, huyện đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên sàn điện tử.

Xây dựng vùng sản xuất tập trung

Khảo sát thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị tại vùng sản xuất cam xã Võng La (huyện Đông Anh, Hà Nội) cho thấy, những năm qua, được sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, người dân nơi đây đã biến vùng đất bãi hoang hóa trở thành khu vực phát triển cây ăn quả tập trung và mô hình trang trại tổng hợp, nông nghiệp sinh thái, với loại cây ăn quả chính là các giống cam, như cam Đường Canh, cam Vinh... cho hiệu quả kinh tế cao.

Huyện Đông Anh đã xây dựng được vùng sản xuất tập trung hiệu quả kinh tế cao.
Huyện Đông Anh đã xây dựng được vùng sản xuất tập trung hiệu quả kinh tế cao.

“Trước kia vùng bãi của xã để hoang hóa, tôi đã thuê lại đất của người dân và phát triển mô hình trồng cam Canh, cam Vinh... Đến nay, gia đình có hơn 30ha trồng cam, thu nhập khoảng 10 tỷ đồng/năm” - anh Nguyễn Văn Hùng chủ trang trại trồng cam cho hay.

Tương tự, tại xã Vân Nội đã hình thành được vùng sản xuất rau an toàn theo hướng hữu cơ để sản phẩm được công nhận đạt chuẩn, có truy xuất nguồn gốc, hình thành chuỗi cung ứng khép kín.

Nhiều diện tích trồng rau được công nhận là sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm), được gắn 3 - 4 sao. Đáng chú ý, khu vực này đã có sự tham gia của một số DN trồng, tiêu thụ rau sạch, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương với thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng.

Hiện toàn huyện có 40 mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao gắn với bảo vệ môi trường, phù hợp điều kiện phát triển huyện thành quận trong những năm tới. Toàn huyện có 10 tổ chức, cá nhân thực hiện ứng dụng công nghệ cao, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau an toàn, hoa lan với diện tích 2,45ha; sản xuất rau an toàn theo mô hình VietGAP, sản xuất hữu cơ với 20ha.

“Huyện đã hình thành vùng trồng hoa - cây cảnh với diện tích 150ha, chủ yếu là hoa đào, quất cảnh, hoa hồng, hoa ly, chậu hoa cảnh các loại; Vùng cây ăn quả được Sở NN&PTNT Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất quả an toàn với diện tích khoảng 50ha trồng chuối, bưởi Diễn...” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Anh Dũng thông tin.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Cùng với phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi, huyện Đông Anh còn tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.

Đến nay, huyện đã triển khai xây dựng được 4 nhãn hiệu tập thể, gồm: Gạo nếp cái hoa vàng xã Thụy Lâm; đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà; vùng sản xuất quất Tàm Xá; sản phẩm đậu làng Chài, xã Võng La…

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Đông Anh đã được xây dựng thương hiệu.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp của huyện Đông Anh đã được xây dựng thương hiệu.

Ngày 31/3/2022, UBND huyện Đông Anh ban hành Kế hoạch số 145/KH-UBND về việc hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, nhằm hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp, kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp, chủ thể OCOOP, doanh nghiệp sản xuất, chế biến và kinh doanh nông sản...

Cùng với đó, tham gia các sàn thương mại điện tử theo quyết định của Bộ TT&TT, kế hoạch của UBND TP, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường góp phần đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.

Theo đại diện UBND huyện Đông Anh, việc đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế; đảm bảo cung cấp hàng hoá thiết yếu cho người dân trên địa bàn huyện và TP.

Sàn thương mại điện tử tham gia kế hoạch hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp quảng bá sản phẩm, giao dịch bán, mua trên sàn thương mại điện tử gồm sàn postmart.vn, sàn voso.vn. Thông qua sàn thương mại điện tử thúc đẩy tiêu thụ nhanh, giữ giá nông sản không phụ thuộc vào thương lái, trung gian, tránh ùn ứ nông sản khi cao điểm thu hoạch.