Ngày đầu triển khai siết chặt công tác cấp, sử dụng giấy đi đường tại huyện Đông Anh

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Công điện số 18/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn TP đến ngày 23/8, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Thông báo số 3885, 3887/TB-UBND, tiếp tục thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là vấn đề cấp, sử dụng giấy đi đường bắt đầu có hiệu lực từ hôm nay (12/8).

Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh cho biết, tính từ ngày 24/7 đến sáng nay (12/8), huyện Đông Anh đã ghi nhận 156 trường hợp mắc Covid-19; tổng số F1 tại địa bàn huyện là 819 trường hợp; F2: 831, đang tiếp tục điều tra, truy vết.
Chỉ tính riêng từ 18 giờ ngày 11/8 đến 6 giờ sáng nay, huyện Đông Anh đã truy vết được 120 F1 mới liên quan đến 4 F0 tại Kim Chung. 16/24 xã, thị trấn của huyện đều ghi nhận có trường hợp F0, huyện đã nâng mức cảnh báo bệnh dịch ở mức nguy hiểm.
Phương tiện, người ở các khu vực khác vào huyện Đông Anh được kiểm soát chặt hơn để tránh tình trạng lây lan dịch bệnh.
Huyện đang tổ chức phong tỏa, cách ly 11 khu dân cư với 1.468 hộ dân và 5.631 nhân khẩu để điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Đã xây dựng đầy đủ phương án cung ứng lương thực, thực phẩm cho Nhân dân, đặc biệt ở khu vực cách ly. Những người tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa thiết yếu đều được kiểm tra hàng ngày và xét nghiệm đủ điều kiện thì mới cho phép hoạt động.
“Xác định đây là “thời gian vàng” do thuận lợi của những văn bản chỉ đạo từ T.Ư, TP cho giãn cách, nhưng Đông Anh đang là địa bàn dịch rất nguy hiểm, nên ngoài những chỉ đạo chung, chúng tôi phải tiếp tục thực hiện những biện pháp chặt hơn nữa, nếu lúc này không thực hiện được thì thời điểm khác rất khó khăn” - ông Nguyễn Xuân Linh cho hay.
Nhằm thực hiện Công điện số 18/CĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Đông Anh đã ban hành Thông báo số 3885, 3887/TB-UBND về việc tiếp tục thực hiện một số biện pháp cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo đó, tất cả cán bộ, công chức viên chức, người lao động trong cơ quan hành chính, sự nghiệp trên địa bàn đều phải thực hiện phương án “3 tại chỗ”, yêu cầu này bao gồm cả những người sống ở huyện Đông Anh nhưng làm việc ở địa bàn khác.
Ghi nhận trong ngày đầu Ban chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Đông Anh siết chặt việc kiểm soát người và phương tiện, số lượng người ra đường rất hạn chế.
Chị Nguyễn Thu Hương, trú tại thị trấn Đông Anh, nhân viên một công ty thực phẩm tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, sáng nay, chị đi làm thấy chốt kiểm dịch thông báo về việc thực hiện “3 tại chỗ” đối với những người làm việc ngoài địa bàn huyện, nhưng do công ty chưa bố trí được chỗ ăn - ở cho nhân viên, nên chị đã vui vẻ chấp hành. “Tôi đã báo cáo lại với công ty và xin phép quay trở về nhà làm việc online, thực hiện theo đúng chỉ đạo của huyện” - chị Nguyễn Thu Hương nói.
Cũng liên quan đến việc UBND huyện Đông Anh siết chặt cấp, sử dụng giấy đi đường, theo Cựu chiến binh Nguyễn Văn Cường - thôn Dõng, xã Cổ Loa, sau khi UBND huyện thực hiện thông báo về siết chặt công tác quản lý giãn cách xã hội, cấp, sử dụng giấy đi đường có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng người dân hoàn toàn đồng thuận với những quy định mới của huyện.
“Dịch bệnh tại huyện Đông Anh hiện nay đang rất nguy hiểm, nếu không có biện pháp cứng rắn sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường. TP Hà Nội đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận huyện triển khai nhiệm vụ phù hợp với tình hình địa phương và chịu trách nhiệm chỉ đạo toàn diện việc tổ chức thực hiện giãn cách. Tôi cho rằng cách làm của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch huyện Đông Anh phù hợp với điều kiện thực tế. Tôi hoàn toàn ủng hộ” - ông Nguyễn Văn Cường nói.
Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đều thực hiện nghiêm túc phương án ''3 tại chỗ''.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị cho thấy, đa số người dân huyện Đông Anh đều ý thức được việc tự bảo vệ bản thân và cộng đồng, nên lượng người ra đường hạn chế. Những người có việc cần thiết đều mang theo đầy đủ giấy tờ theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm soát của lực lượng chức năng.
Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tất cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp đủ điều kiện sản xuất đều thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nên không còn hiện tượng công nhân chờ xếp hàng kiểm tra giấy tờ để vào làm việc. Công nhân có kết quả xét nghiệm âm tính được phép quay lại nhà máy, nhưng phải ở lại nơi làm việc và không đi ra ngoài đường, trừ một số người phải thực hiện công việc quan trọng của doanh nghiệp.
“Sáng nay, chỉ có một số công nhân hôm trước không vào ca đi làm, đã mang theo đầy đủ quần áo, tư trang và giấy tờ theo quy định để ở lại nhà máy cho đến khi hết thời gian giãn cách xã hội” - Trung tá Hoàng Quốc Việt - Phó Đồn trưởng Đồn Công an Khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho hay.
Đa phần người dân đều chấp hành nghiêm túc quy định của chính quyền địa phương trong việc siết chặt đi lại khi không thực sự cần thiết.
Trước tình hình dịch bệnh đang được cảnh báo ở mức nguy hiểm, để đảm bảo an toàn các khu dân cư đã thiết lập “vùng xanh”, dựng hàng rào cứng không cho phép người bên ngoài ra - vào. Xã Cổ Loa là một trong số ít khu vực chưa xuất hiện F0 tại huyện Đông Anh, để làm được điều đó từ khi TP Hà Nội ban hành Chỉ thị giãn cách xã hội, xã đã lập 22 chốt kiểm soát y tế 15 thôn, 2 chốt kiểm soát y tế liên xã trên tuyến đường Cổ Loa.
“Chúng tôi đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy cho phép thí điểm thực hiện giãn cách xã hội mạnh hơn quy định của TP, tất cả những người có việc cần thiết ra - vào địa bàn xã phải đầy đủ giấy tờ theo quy định, bao gồm cả lịch trình công việc, tránh trường hợp lợi dụng giấy đi đường không đúng mục đích, đồng thời quán triệt chủ trương không cho người khu vực khác vào xã. Vì vậy, đến nay toàn xã vẫn là một “vùng xanh" an toàn" - Chủ tịch UBND xã Cổ Loa Nguyễn Kim Nhật thông tin.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần