Huyện Đông Anh: Phát triển du lịch gắn với di sản truyền thống

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Với 134 di tích văn hóa đã được xếp hạng, huyện Đông Anh (TP Hà Nội) đang sở hữu một khối lượng di sản văn hóa tương đối đồ sộ. Đây là điều kiện quan trọng để huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch gắn với các di sản văn hóa truyền thống.

Lễ hội tại di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa là một trong những điểm nhấn trong hành trình du lịch về với vùng đất Đông Anh. Ảnh: Doãn Thành
Lễ hội tại di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa là một trong những điểm nhấn trong hành trình du lịch về với vùng đất Đông Anh. Ảnh: Doãn Thành

Hệ thống di tích lễ hội phong phú

Huyện Đông Anh nằm ở phía Bắc Thủ đô Hà Nội, là vùng đất có vị trí trọng yếu trong lịch sử dựng nước và giữ nước từ thuở sơ khai của người Việt cổ. Vùng đất này đã được Thục Phán – An Dương Vương chọn làm kinh đô. Cho đến nay, Đông Anh đã được thừa hưởng hệ thống di sản văn hóa đồ sộ, là những di tích lịch sử gắn với lễ hội và làng nghề truyền thống. Điều đó không chỉ mang đến niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của các thế hệ ông cha trong lịch sử dựng nước, giữ nước mà còn mang đến những vận hội to lớn cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở giai đoạn hội nhập hiện nay.

 

Huyện Đông Anh là một vùng đất có tài nguyên văn hóa vô cùng phong phú, không chỉ là những trầm tích văn hóa được bồi lắng qua chiều dài lịch sử; mà còn được gìn giữ, kế thừa và phát huy của nhiều thế hệ người dân Đông Anh. Vì vậy, Đông Anh cần phải tận dụng tốt những điều kiện, thế mạnh đó để khai thác du lịch, phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
TS Lưu Minh Trị - Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, trên địa bàn huyện hiện có 413 di tích lịch sử - cách mạng, tôn giáo – tín ngưỡng. Trong đó, 134 di tích đã được xếp hạng, gồm: 1 cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt (di tích Cổ Loa), 64 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 70 di tích xếp hạng cấp TP.
Cùng với quá trình giữ nước, công cuộc dựng nước cũng để lại cho Đông Anh nhiều di sản văn hóa truyền thống đó là những làng nghề, lễ hội, hoạt động văn hóa – nghệ thuật gắn với cuộc sống đặc trưng của văn minh lúa nước.

“Không chỉ là nơi bảo tồn những di tích lịch sử cách mạng lâu đời, vùng đất và con người Đông Anh còn bảo tồn nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, gắn với đặc trưng của văn minh lúa nước như rối nước Đào Thục, ca trù Lỗ Khê, tuồng cổ Xuân Nộn, chèo cổ Dục Tú. Trong đó rối nước Đào Thục đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn du khách. Trên cơ sở đó, huyện luôn xác định phát triển kinh tế du lịch gắn với di sản truyền thống, kết hợp bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu” – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho hay.

Cần đào tạo bài bản đội ngũ nhân lực

Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết thêm, trong suốt hành trình lịch sử, những giá trị di sản văn hoá vật thể, phi vật thể tại địa bàn huyện luôn được các thế hệ người dân gìn giữ, lưu truyền, tôn tạo, hiện hữu trong đời sống vật chất, tinh thần. “Đây chính là những tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển du lịch. Du lịch Đông Anh đang từng bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế - xã hội” - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám nói.

Mặc dù thời gian qua huyện Đông Anh đã có nhiều nỗ lực trong bảo tồn các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch nhưng trong quá trình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: kinh phí phục vụ công tác bảo tồn hạn chế, nguồn nhân lực tham gia dịch vụ du lịch phát triển tự phát, chưa được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, việc quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại, kết nối các tour, tuyến vẫn còn yếu và thiếu…

“Để ngành du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng, huyện Đông Anh cần đẩy mạnh việc hướng dẫn xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống tiêu biểu của địa phương, như: đồ gỗ mỹ nghệ Vân Hà, quất Tàm Xá, bún Mạch Tràng, tương Việt Hùng... Qua đó gia tăng mức chi tiêu của du khách khi đến với Đông Anh. Nhưng quan trọng nhất là chất lượng dịch vụ du lịch, điều này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nhân lực. Để làm được điều đó, huyện cần phải tổ chức các chương trình tập huấn giúp người dân nâng cao kỹ năng, kiến thức làm du lịch kết hợp với việc tận dụng kinh nghiệm thực tế" - Trưởng khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội), TS Phạm Hồng Long chia sẻ.

Trên thực tế, để khắc phục những hạn chế trong hoạt động khai thác du lịch gắn với di sản văn hóa truyền thống, thời gian gần đây, Huyện ủy, UBND huyện Đông Anh đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Đồng thời tạo điều kiện để DN đẩy mạnh dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm của T.Ư, TP như: Công viên văn hóa, du lịch, vui chơi giải trí Kim Quy; Trung tâm Triển lãm quốc gia; dự án Khu du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao Hoa Lâm Viên; đền thờ Ngô Quyền... Cùng với đó, hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề, sản phẩm ẩm thực, nông nghiệp tiêu biểu cũng được đặc biệt quan tâm, nhằm gia tăng mức chi tiêu của du khách khi đến với huyện.