Huyện Đông Anh: Xử lý nhiều vụ vi phạm đất đai

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh (Hà Nội) Hoàng Anh Tuấn cho biết, trong năm 2021 nhiều vụ vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng bằng hình thức xử phạt hành chính bằng tiền và cưỡng chế tháo dỡ, thu hồi.

Lãnh đạo huyện Đông Anh cho biết, trong năm 2021, tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hay tình trạng san lấp trái phép đất nông nghiệp công, ao hồ do Nhà nước quản lý trên địa bàn huyện Đông Anh diễn ra tại 13 xã: Cổ Loa, Đại Mạch, Dục Tú, Hải Bối, Kim Chung, Nam Hồng, Nguyên Khê, Thụy Lâm, Uy Nỗ, Vân Hà, Vĩnh Ngọc, Võng La, Xuân Nộn với 100 vụ vi phạm.

Hàng trăm vụ vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Đông Anh bị xử lý.
Hàng trăm vụ vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Đông Anh bị xử lý.

UBND huyện đã ban hành Kế hoạch số 36b/2021/KH-UBND về xử lý vi phạm về đất đai, giao nhiệm vụ cho UBND các xã rà soát, lập hồ sơ xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng. Tổ chức xử lý, tháo dỡ và cưỡng chế vi phạm tồn đọng xong đối với 59 trường hợp. UBND các xã tuyên truyền vận động người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm, không phải cưỡng chế 16 trường hợp.

Một số xã đã tích cực xử lý các vi phạm như Uy Nỗ (xử lý được 28 vi phạm tồn đọng), Thụy Lâm (xử lý được 30 vi phạm tồn đọng) và xây dựng phương án quản lý, sử dụng đúng mục đích; đồng thời cũng xây dựng phương án, kế hoạch để giải quyết trường hợp còn tồn tại.

“Riêng đối với việc xây dựng phương án tổ chức cưỡng chế các trường hợp vi phạm phát sinh, do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/2021/CT-UBND, Công điện số 18/2021/CĐ-UBND, Công điện số 19/2021/CĐ-UBND của Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Do đó, những vi phạm đã được xây dựng phương án tổ chức cưỡng chế chưa được thực hiện theo kế hoạch” - Trưởng phòng TN&MT huyện Đông Anh (Hà Nội) Hoàng Anh Tuấn cho hay.

Cũng theo đại diện Phòng TN&MT Đông Anh, hiện nay, huyện đang tích cực tích cực phối hợp với UBND các xã để hoàn thiện hồ sơ tổ chức cưỡng chế, vận động người sử dụng đất có vi phạm tự tháo dỡ công trình để hoàn trả mặt bằng, hạn chế việc phải cưỡng chế.

“Một kết quả rất đáng ghi nhận trong năm 2021 về lĩnh vực này là ý thức cơ sở, nhận thức của người dân tiếp tục được nâng lên. Nhiều khu vực vi phạm cũ, vi phạm mới phát sinh đã được UBND các xã chủ động lập hồ sơ xử lý, khi có quyết định cưỡng chế, tổ chức, cá nhân vi phạm tự chấp hành mà không cần chính quyền tổ chức lực lượng cưỡng chế” – ông Hoàng Anh Tuấn cho biết thêm.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần