Tưng bừng các lễ hội truyền thống
Trong các ngày từ 23 – 30/3/2024, trên địa bàn huyện Gia Lâm có 4 lễ hội được tổ chức, đó là: Lễ hội làng Bát Tràng (23/3, tức ngày 14/2 âm lịch), Lễ hội làng Giang Cao (24/3, tức ngày 15/2 âm lịch), Lễ hội đền – chùa Bà Tấm gắn với kỷ niệm 980 năm ngày sinh Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (ngày 28/3, tức 19/2 âm lịch), Lễ hội Phụng Nghênh – Lễ hội đền Mẫu đức Thánh Gióng, xã Phù Đổng (ngày 30/3, tức 21/2 âm lịch).
Không chỉ đơn thuần là lễ hội truyền thống, những năm gần đây, các lễ hội của huyện Gia Lâm thường gắn với hoạt động giới thiệu, quảng bá và kết nối phát triển du lịch. Trong đó, Lễ hội làng Bát Tràng và làng Giang Cao (xã Bát Tràng) gắn với các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm gốm Bát Tràng, gốm Giang Cao; giới thiệu các tuor tuyến du lịch đến thăm quan, trải nghiệm làng gốm cổ và các điểm du lịch trong và ngoài xã Bát Tràng.
Lễ hội đền – chùa Bà Tấm, xã Dương Xá gắn với kỷ niệm ngày sinh của Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, thường xuyên thu hút rất đông du khách đến thăm quan, chiêm bái. Theo Chủ tịch UBND xã Dương Xá Tô Hữu Vịnh, bên cạnh các nghi lễ tâm linh, lễ hội đền – chùa Bà Tấm năm nay còn có nhiều hoạt động trải nghiệm cho du khách, như: Xã Dương Xá sẽ kích hoạt hoạt động của các gian hàng OCOP, hàng lưu niệm, trải nghiệm du lịch 3D; khai trương gian hàng “Hướng đến nông thôn mới thông minh”, khai mạc “Chợ phiên điện tử”, Livetream bán hàng các sản phẩm OCOP… và nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao.
Lễ hội Phụng Nghênh - Lễ hội đền Mẫu đức Thánh Gióng, xã Phù Đổng là lễ hội tưởng nhớ người có công sinh thành ra đức Thánh Gióng – Anh hùng dân tộc, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Theo Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Trần Xuân Tĩnh, ngoài ý nghĩa giáo dục truyền thống hướng về cội nguồn, lễ hội Phụng Nghênh diễn ra hàng năm nhằm bảo tồn, giới thiệu và quảng bá đến du khách Lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đền Phù Đổng là di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài ra còn giới thiệu các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực du lịch tâm linh, du lịch làng nghề (hoa Giấy), du lịch trải nghiệm tại địa phương... Lễ hội Phụng Nghênh xã Phù Đổng năm nay có nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu cây cảnh, hoa Giấy, các trò chơi dân gian đặc sắc, đáp ứng nhu cầu du khách trong và ngoài địa phương.
Đảm bảo vui tươi, an toàn, lành mạnh
Theo Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương, trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 100 lễ hội truyền thống, trong đó có Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (xã Phù Đổng) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các lễ hội kéo dài từ tháng Giêng, tháng Hai, tháng Ba, tháng Tư, tháng Tám và tháng Chín (âm lịch).
Để công tác quản lý và tổ chức lễ hội được hiệu quả, Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lâm đã xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025”. Đồng thời, ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn huyện Gia Lâm năm 2024 và các văn bản về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, tu bổ, đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ tại các di tích trên địa bàn huyện trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Ban hành quyết định về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện công tác quản lý và tổ chức lễ hội, quản lý di tích, thực hiện nếp sống văn minh tại di tích và lễ hội trên địa bàn huyện.
Huyện cũng thực hiện công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn như: Tuyên truyền trên hệ thống phát thanh huyện và đài truyền thanh cơ sở; thực hiện số hoá, lắp đặt bảng có mã QR Code giới thiệu về di tích, lễ hội, các nhân vật được thờ phụng; tuyên truyền vận động Nhân dân địa phương và du khách đến dự lễ hội chấp hành những quy định của Ban tổ chức lễ hội, thực hiện nếp sống văn minh, hạn chế thắp hương, đốt vàng mã trong khu di tích… Trên cơ sở kế hoạch của huyện, các xã, thị trấn chủ động tiến hành xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức, quản lý lễ hội tại địa phương.
Tính đến tháng 3/2024, trên địa bàn huyện Gia Lâm đã có 51 lễ hội truyền thống được tổ chức. Các lễ hội được tổ chức đảm bảo thực hiện nghiêm túc, trang trọng về phần lễ; vui tươi, hiệu quả, tiết kiệm về phần hội. Một số lễ hội được tổ chức lồng ghép với sự kiện của địa phương như: Lễ hội làng Kim Lan, xã Kim Lan (10/1 âm lịch) được tổ chức cùng với sự kiện gắn biển tên “Đường Kim Lan” do UBND TP ban hành quyết định; Lễ hội Đền - chùa Bà Tấm (19,20,21/2 âm lịch) gắn với sự kiện đón nhận Huân chương lao động hạng Nhì…
Qua công tác kiểm tra, Đoàn kiểm tra liên ngành huyện Gia Lâm nhận thấy tại các lễ hội, UBND các xã, thị trấn đã chủ động kiểm tra, chỉ đạo quản lý và tổ chức lễ hội theo đúng nội dung, thực hiện nghiêm túc các quy định để lễ hội diễn ra an toàn, vui tươi, lành mạnh, đảm bảo an ninh trật tự và thực hiện tốt nếp sống văn minh trong sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại nơi thờ tự.