Kinh tế - xã hội phát triển toàn diện
Năm 2022, được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự nỗ lực cố gắng của toàn thể Nhân dân, kinh tế - xã hội của huyện Gia Lâm đã phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý ước tăng 10,52%, bằng 2,28 lần mức tăng của năm 2021 và cao nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt trên 5.168 tỷ đồng, bằng 101,5% dự toán TP và huyện giao và bằng 182,5% so với năm trước. Huyện Gia Lâm đã tự đảm bảo cân đối ngân sách được UBND TP giao năm 2022.
Cơ cấu các ngành kinh tế trên địa bàn huyện thay đổi theo hướng tích cực, trong đó huyện đặc biệt chú trọng phát triển lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Năm 2022, giá trị sản xuất các ngành dịch vụ đạt trên 6.867 tỷ đồng, tăng 15,75% so với năm 2021. Huyện đã tổ chức thành công Lễ hội Gióng và Tuần lễ du lịch Phù Đổng; tổ chức Lễ đón nhận Quyết định công nhận “Điểm du lịch Phù Đổng”, khai trương Cổng thông tin điện tử du lịch Gia Lâm và App du lịch Gia Lâm; tổ chức Tuần lễ du lịch Bát Tràng và đón nhận quyết định công nhận “Nghề truyền thống gốm làng Bát Tràng, xã Bát Tràng là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”…
Bên cạnh đó, công tác quy hoạch, quản lý đô thị, đầu tư XDCB, GPMB và tài nguyên môi trường được quan tâm chỉ đạo và đẩy mạnh. Năm 2022, huyện tiếp tục hoàn thiện Đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm; đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch đầu tư công. Hoàn thành công tác thống kê đất đai trên địa bàn.
Công tác đầu tư xây dựng huyện thành quận và xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu được chỉ đạo, triển khai quyết liệt. Theo đánh giá của Hội đồng thẩm định cấp huyện, năm 2022, 11/11 xã đã đủ điều kiện hoàn thiện hồ sơ trình TP công nhận nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Huyện đã hoàn thành 28/31 tiêu chí thành lập quận; hoàn thành 8/18 tiêu chí thành lập phường.
Công tác văn hóa, xã hội được duy trì và phát triển; an sinh xã hội được đảm bảo, chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Huyện đã triển khai Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch huyện Gia Lâm giai đoạn 2021 - 2025” kế hoạch năm 2022. Các chỉ tiêu về văn hóa đều hoàn thành vượt chỉ tiêu. Năm học 2021 -2022, ngành GD&ĐT huyện Gia Lâm được TP tặng Cờ thi đua xuất sắc…
Cải cách hành chính nhiều đột phá
Thực hiện chủ đề công tác năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, huyện Gia Lâm tập trung đẩy mạnh công tác CCHC trên địa bàn. Huyện đã ban hành đầy đủ, toàn diện hệ thống văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác CCHC nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ cán bộ, công chức, viên chức; phấn đấu nâng hạng các chỉ số PARINDEX, PAPI, SIPAS. Duy trì áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 vào quản lý tại 100% các phòng chuyên môn, 22/22 xã, thị trấn và 78/78 trường học thuộc huyện. Tiếp tục triển khai rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh phân cấp cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và đẩy nhanh giải quyết TTHC công trực tuyến.
Hiện trên địa bàn huyện Gia Lâm có 404 TTHC, trong đó có 245 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện và 110 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã, thị trấn, 49 TTHC liên thông. Đến nay, toàn bộ TTHC đã được chuẩn hóa và xây dựng quy trình giải quyết theo ISO, được xây dựng thành các file mềm và thực hiện công khai theo quy định. Trong năm 2022, cấp huyện đã tiếp nhận và xử lý 16.103 hồ sơ TTHC, 2.687 hồ sơ dịch vụ công mức độ 3, 4 (đạt tỷ lệ 100%). Cấp xã đã tiếp nhận, xử lý 82.861 hồ sơ TTHC và 9.623 hồ sơ dịch vụ công mức độ 3 (đạt tỷ lệ 100%). Toàn huyện không có hồ sơ giải quyết quá hạn.
Đặc biệt, thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, UBND huyện Gia Lâm đã thành lập Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử huyện Gia Lâm, triển khai kế hoạch “Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng huyện Gia Lâm giai đoạn 2022 – 2025”; xác định ưu tiên phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCHC.
Hiện thực hóa mục tiêu này, từ tháng 9/2022, UBND huyện Gia Lâm đã phối hợp với Chi nhánh Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam - Bưu điện TP Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác với huyện và 4 xã, thị trấn nhằm sử dụng dịch vụ bưu chính công ích vào thực hiện CCHC, sau đó nhân rộng ra 22/22 xã, thị trấn trên toàn huyện. Cách làm này đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc cung ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đến người dân. Đồng thời, góp phần nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức; thực hiện hiệu quả cơ chế “Một cửa, Một cửa liên thông” theo hướng văn minh, hiện đại; tiếp tục nâng cao sự hài lòng của người dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn huyện.
Cũng trong tháng 9/2022, UBND huyện Gia Lâm đã triển khai mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn trong giải quyết TTHC” và mô hình “Ứng dụng mã QR để tuyên truyền, tra cứu 25 TTHC thiết yếu trên địa bàn huyện Gia Lâm”. Chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện, mô hình “Ngày thứ Ba không viết, không giấy hẹn trong giải quyết TTHC” đã cho thấy những kết quả tích cực; bộ phận Một cửa của UBND huyện và các xã, thị trấn đã giải quyết hàng chục TTHC sau tối đa 2 giờ kể từ khi tiếp nhận, với tổng số hàng nghìn hồ sơ. Mô hình bước đầu đạt kết quả cao, hiệu quả và sức lan tỏa tốt; mang lại sự phấn khởi cho cá nhân, tổ chức khi đến thực hiện TTHC trên địa bàn huyện...
Năm 2023, mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong nước và thế giới còn nhiều khó khăn; thiên tai, dịch bệnh còn đe dọa, song với những kết quả đạt được và với quyết tâm phấn đấu, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự đồng sức, đồng lòng của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Gia Lâm sẽ tự tin, sẵn sàng các điều kiện trở thành quận văn minh của Thủ đô.
Năm 2023, huyện Gia Lâm xác định mục tiêu tập trung phát triển kinh tế; huy động các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí thành lập quận, phường; đẩy mạnh CCHC, củng cố, sắp xếp bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị; đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội. Phấn đấu đến hết năm 2023, huyện Gia Lâm trở thành quận của Hà Nội.