Phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị đã có cuộc phỏng vấn Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà xung quanh vấn đề này.
Thực hiện Nghị quyết 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Gia Lâm là huyện có 10 xã thuộc diện phải sắp xếp. Đến thời điểm này, việc sắp xếp các xã của huyện Gia Lâm đã thực hiện đến đâu, thưa ông?
- Thực hiện Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 ngày 14/11/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025, huyện Gia Lâm có 10 xã thuộc diện sắp xếp, gồm: Phù Đổng, Trung Mầu, Bát Tràng, Đông Dư, Kim Lan, Văn Đức, Phú Thị, Kim Sơn, Dương Hà, Đình Xuyên. Quá trình triển khai sắp xếp, huyện Gia Lâm đã xem xét một cách kỹ lưỡng về lịch sử hình thành, bản sắc văn hóa và điều kiện tự nhiên của các đơn vị hành chính để xây dựng phương án sắp xếp một cách khoa học và phù hợp.
Theo đó, huyện đã thống nhất và đề xuất phương án: Thành lập xã Thiên Đức trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Đình Xuyên và xã Dương Hà; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Đông Dư vào xã Bát Tràng thành xã Bát Tràng; thành lập xã Kim Đức trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Kim Lan và xã Văn Đức; thành lập xã Phú Sơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Phú Thị và xã Kim Sơn; nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của xã Trung Mầu vào xã Phù Đổng thành xã Phù Đổng.
Để bảo đảm từ ngày 01/01/2025, các tổ chức Đảng, chính quyền và cơ quan của các đơn vị hành chính cấp xã sau sắp xếp chính thức đi vào hoạt động theo quy định, Ban Chấp hành Đảng bộ và Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm đã ban hành các Quyết định thành lập Đảng bộ xã trực thuộc Huyện uỷ; chỉ định tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ, các chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ xã tại các đơn vị hành chính sắp xếp; giới thiệu nhân sự để HĐND các xã tiến hành bầu các chức danh HĐND, UBND xã đồng loạt vào ngày 01/01/2025 theo quy định…
Sau gần 1 tháng thực hiện quyết liệt, bài bản, dân chủ, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ của tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị tại 05 xã sắp xếp theo Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 đã hoàn thiện và sẵn sàng đi vào hoạt động từ ngày 01/01/2025. Sau sắp xếp, huyện Gia Lâm có 17 đơn vị hành chính cấp xã, bao gồm 15 xã và 2 thị trấn.
Việc sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra trong một thời gian ngắn, trong khi Gia Lâm có tới 10 xã phải sắp xếp, huyện Gia Lâm đã làm thế nào để việc sắp xếp được nhanh, gọn, hiệu quả?
- Ngay sau khi có Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, huyện Gia Lâm đã chỉ đạo các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở đẩy mạnh tuyên truyền, tạo đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Quá trình triển khai lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỷ lệ đồng thuận của người dân trên địa bàn về chủ trương, phương án sắp xếp và tên gọi đều đạt rất cao (trên 98%).
Đặc biệt, để công tác sắp xếp được nhanh, gọn, hiệu quả, huyện Gia Lâm đã chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố để thực hiện đánh giá trước tình hình, có kế hoạch cụ thể, “đi trước một bước”, bảo đảm đúng thẩm quyền, đúng quy trình, quy định trong xây dựng và triển khai thực hiện với phương châm “rõ việc, rõ cơ quan, đơn vị thực hiện, rõ thời gian”; yêu cầu lãnh đạo cấp ủy, chính quyền phải phát huy vai trò nêu gương, quyết tâm cao, nỗ lực lớn để thực hiện các nhiệm vụ, nhằm đảm bảo đến ngày 01/01/2025, các cơ quan, tổ chức tại đơn vị hành chính sau sắp xếp đồng loạt đi vào hoạt động.
Sắp xếp bộ máy hành chính là việc làm không đơn giản, bởi liên quan đến nhiều vấn đề về con người, tài sản, cơ chế chính sách…, đặc biệt là việc sắp xếp, bố trí cán bộ. Huyện Gia Lâm đã làm thế nào để công tác sắp xếp, bố trí cán bộ được đảm bảo phù hợp, khách quan, sử dụng được cán bộ có năng lực, thưa ông?
- Việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức được Ban Thường vụ Huyện ủy Gia Lâm chỉ đạo thực hiện từ sớm, khi có Đề án sắp xếp đơn vị hành chính của huyện với phương châm: Sắp xếp, bố trí cán bộ phải được tiến hành đồng bộ, liên thông giữa các tổ chức trong hệ thống trị; bố trí, sắp xếp cán bộ phải đảm bảo về tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý và điều kiện cụ thể của từng địa phương; căn cứ vào khả năng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác của cán bộ để bố trí, sắp xếp, điều động cho phù hợp. Đặc biệt, đối với chức danh bí thư cấp ủy và chủ tịch UBND xã, việc sắp xếp phải thực hiện theo chủ trương cán bộ không là người địa phương… Ngoài ra, trong quá trình sắp xếp, bố trí cán bộ, cần chú trọng công tác tư tưởng và chế độ chính sách đối với cán bộ tại đơn vị sắp xếp.
Để làm tốt việc đó, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu về công tác cán bộ của Huyện ủy, UBND huyện xây dựng các phương án sắp xếp bố trí cán bộ từ cán bộ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền đến đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã; chủ động thực hiện quy trình sắp xếp, chuyển các chức danh diện Ban Thường vụ Huyện uỷ quản lý, cán bộ MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội xã thành công chức các phòng, ban của huyện tại các xã diện sắp xếp, nhằm thực hiện lộ trình giảm cán bộ, công chức theo lộ trình 5 năm. Việc thực hiện sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức tại các đơn vị sắp xếp đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, đúng quy trình, thẩm quyền và trên cơ sở nguyện vọng của cán bộ, công chức. Đến nay, các cán bộ, công chức thuộc diện sắp xếp, luân chuyển, điều động hoặc nghỉ chế độ đều tuân thủ các quyết định của cấp trên.
Trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, Gia Lâm có gặp vấn đề gì khó khăn, vướng mắc không? Huyện Gia Lâm đã làm thế nào trước những tình huống đó, thưa ông?
- Thời điểm tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính diễn ra vào cuối năm 2024 khi các xã đang tập trung tổ chức bầu cử trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố nhiệm kỳ 2025-2027, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ của năm và chuẩn bị công tác đại hội đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025-2027, do vậy, để công tác sắp xếp diễn ra ổn định, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy hành chính cũng như không làm xáo trộn đời sống, sinh hoạt của người dân trên địa bàn, huyện Gia Lâm đã có sẵn các kịch bản để chuẩn bị.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và Nhân dân, đến nay công tác sắp xếp đơn vị hành chính các xã đã cơ bản thực hiện đúng kịch bản, nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, thống nhất của tổ chức Đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân trên địa bàn.
Trong thời gian tới, khi các đơn vị hành chính mới đi vào hoạt động, huyện Gia Lâm tiếp tục tập trung vào việc gì, thưa ông?
- Sau khi hoàn thành phương án sắp xếp theo tinh thần Nghị quyết số 1286/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 01/01/2025, các cơ quan, tổ chức tại đơn vị hành chính sau sắp xếp của huyện Gia Lâm sẽ đồng loạt đi vào hoạt động. Tuy nhiên, những giấy tờ, thủ tục, cơ chế chính sách liên quan đến đơn vị hành chính cũ vẫn tiếp tục được giải quyết để tiến tới hoàn thiện, thống nhất theo đơn vị hành chính mới.
Do vậy, trong thời gian tới, Huyện ủy Gia Lâm tiếp tục chỉ đạo các xã mới thành lập tiếp tục hoàn thiện bộ máy, kiện toàn các chức danh lãnh đạo theo phương án nhân sự đã được Ban Thường vụ Huyện ủy giới thiệu, đảm bảo đúng quy định. Khẩn trương xây dựng quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các đồng chí trong cấp ủy; thực hiện bầu Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm UBKT; chỉ đạo công tác đại hội các chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2025-2027; chuẩn bị các nội dung về báo cáo chính trị, nhân sự đại hội đảng bộ xã nhiệm kỳ 2025-2030.
MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với tổ chức cấp huyện thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ. Thực hiện bàn giao, tiếp nhận tổ chức đảng, đảng viên; sắp xếp các chi bộ trực thuộc theo các cơ quan hành chính và chỉ định cấp ủy, các chức danh lãnh đạo chi bộ trực thuộc. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan sắp xếp bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại xã phù hợp với năng lực, trình độ và vị trí việc làm.
Đối với HĐND huyện, hướng dẫn HĐND các xã tổ chức các kỳ họp bầu chức danh HĐND-UBND; kịp thời phê chuẩn các chức danh lãnh đạo HĐND xã; tổ chức kỳ họp chuyên đề phê chuẩn điều chỉnh chỉ tiêu kinh tế xã hội và dự toán thu chi ngân sách năm 2025 đối với các đơn vị hành chính sau sắp xếp theo quy định.
Đối với UBND huyện, lãnh đạo, chỉ đạo UBND các xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp tiến hành giao dịch hành chính; chuyển đổi các loại giấy tờ cho Nhân dân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục thực hiện công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức tại các xã sau sắp xếp theo lộ trình và theo quy định. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc thì kiến nghị cấp có thẩm quyền để giải quyết kịp thời.
Trân trọng cảm ơn ông!