Chiều 27/6, UBND huyện Gia Lâm phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) Hà Nội tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm, thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2024 – 2025.
Phát triển chính quyền số, kinh tế số
Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, 6 tháng đầu năm 2024, công tác triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả nổi bật. Huyện đã thực hiện chuyển đổi số trên 3 trụ cột, bao gồm: phát triển chính quyền số; phát triển kinh tế số; phát triển xã hội số.
Theo đó, đối với phát triển chính quyền số, huyện tập trung phát triển hạ tầng số; phát triển nền tảng, hệ thống; phát triển ứng dụng, dịch vụ và an toàn thông tin mạng. Huyện đã ứng dụng phần mềm điện tử trong các hoạt động như: đánh giá cán bộ công chức, triển khai hệ thống quản lý cuộc họp, hệ thống quản lý văn bản, thông tin báo cáo xử lý và phát hành văn bản, đảm bảo 100% các văn bản được xử lý trên phần mềm quản lý của văn bản của TP. Bên cạnh đó, tiếp nhận nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của TP, dữ liệu quốc gia để trao đổi chia sẻ dữ liệu, thực hiện kết nối chia sẻ thông tin với hệ thống, đảm bảo an toàn thông tin với TP theo quy định.
Huyện tiếp tục triển khai hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của TP. 6 tháng đầu năm 2024, huyện tiếp nhận và giải quyết 53.100 hồ sơ TTHC, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến đạt 17,6% hồ sơ TTHC được trả kết quả đúng hạn/trước hạn; 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận giải quyết và số hóa hồ sơ trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC TP Hà Nội. 100% cơ quan chuyên môn, đơn vị, UBND xã thị trấn; cán bộ công chức viên chức từ huyện đến xã, thị trấn được cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.
Đối với phát triển kinh tế số, huyện chủ động tích cực triển khai hoạt động chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Nổi bật như lĩnh vực văn hóa thông tin du lịch, huyện đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao thực hiện các bước để triển khai dự án nâng cấp đài truyền thanh các xã, thị trấn sang đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tại 100% xã, thị trấn; thực hiện rà soát các vị trí đề xuất lắp đặt 24 bản tin điện tử công cộng trên địa bàn.
UBND huyện cũng đang giao các phòng, ban, đơn vị chuyên môn hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án “Số hóa các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và các di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống; xây dựng hệ thống thông tin giới thiệu quảng bá phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm”.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã chủ động triển khai ứng dụng công nghệ trong quản lý giảng dạy và học tập trong tuyển sinh và nộp học phí trực tuyến; số hóa hồ sơ, tài liệu, giáo trình; xây dựng xã hội học tập. Triển khai các nền tảng dạy, học trực tuyến, kết nối, phục vụ trực tuyến toàn trình cho công tác giảng dạy, học tập, thi cử cho học sinh, giáo viên, từng bước hình thành hệ sinh thái phát triển giáo dục số, bảo đảm chất lượng cho việc thi cử trực tuyến...
Lĩnh vực y tế, huyện đã triển khai thí điểm hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử trên địa bàn. Đến nay, toàn huyện đã tạo được hồ sơ cho 265.249 người, trong đó số hồ sơ đã chuẩn hóa là 265.237 hồ sơ, đạt 99,99%. Tỷ lệ dân số trưởng thành dùng dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa là 138.757/318.818 người, đạt 43,5%.
Lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội, UBND huyện đã triển khai kế hoạch về việc thực hiện đợt cao điểm truyền thông về chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt trên địa bàn huyện. Đến nay, đã có 9.424/9.431 đối tượng hưởng chính sách ASXH thực hiện đăng ký tài khoản, đạt 99,93% đối tượng đủ điều kiện mở tài khoản.
Lĩnh vực bảo hiểm xã hội (BHXH), đến nay đã thực hiện mở tài khoản ngân hàng đối với 16.978/17.552 đối tượng và đã tiến hành cập nhật lên hệ thống BHXH Việt Nam. Lực lượng Công an xã, thị trấn cũng đã tiến hành cập nhật 10.632/10.632 trường hợp, đạt 100% đối tượng lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đối với các trường hợp còn lại, các lực lượng vẫn tiếp tục tuyên truyền vận động để người dân hiểu được tiện ích khi chi trả không dùng tiền mặt.
Phát triển xã hội số, tập trung khai thác thế mạnh địa phương
Đối với phát triển xã hội số, huyện khuyến khích người dân truy cập internet, đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu cá nhân trên không gian số.
Ngoài ra, đối với mô hình chuyển đổi số, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai 3 mô hình chuyển đổi số trên địa bàn gồm: Mô hình “Ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt khi giải quyết TTHC trên địa bàn huyện Gia Lâm” tại bộ phận Một cửa huyện và 22 xã, thị trấn trên địa bàn. Tuy mới triển khai từ ngày 26/3/2024 nhưng đến nay đã đạt kết quả tích cực; tỷ lệ thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt cấp huyện đạt 85%, cấp xã đạt 35%. Bên cạnh đó, mô hình “Chợ thông minh - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ khu 31ha thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm” đã được triển khai từ ngày 16/5/2024. Mô hình “Tổ dân phố Số” tại Tổ dân phố Thành Trung, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm” cũng bắt đầu được triển khai từ ngày 4/6/2024.
Tại hội nghị, đã có nhiều ý kiến, kiến nghị của các phòng, ban liên quan của huyện Gia Lâm cũng như những giải đáp, chia sẻ của đại diện các phòng, ban của Sở TTTT nhằm làm rõ hơn những thuận lợi, khó khăn trong công tác chuyển đối số, đồng thời đưa ra những sáng kiến nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện Gia Lâm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Giám đốc Sở TTTT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng đánh giá cao những kết quả mà huyện Gia Lâm đã đạt được, đồng thời đề nghị trong thời gian tới, huyện Gia Lâm tập trung vào xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu chuyển đổi số, trong đó tập trung vào các thế mạnh như các làng nghề truyền thống, di tích lịch sử, địa chỉ văn hóa, sản phẩm OCOP... nhằm thu hút khách du lịch đến địa phương.
Giám đốc Sở TTTT Hà Nội cũng đề nghị huyện Gia Lâm có sự đầu tư về chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa nhằm tạo ra nét riêng, độc đáo của huyện, để tới năm 2025, Gia Lâm sẽ có một nền tảng công nghệ số đồng bộ, hiện đại, xứng tầm với sự phát triển của địa phương.
Trước khi diễn ra buổi làm việc, các đại biểu đã đi khảo sát công tác chuyển đổi số tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả TTHC của xã Đặng Xá, thị trấn Trâu Quỳ và bộ phận Một cửa huyện Gia Lâm. Tại các điểm khảo sát, đoàn làm việc đã trao đổi và nghe các ý kiến, kiến nghị của người dân và cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết hồ sơ tại bộ phận Một cửa, qua đó nắm bắt thông tin để tiếp tục hỗ trợ huyện Gia Lâm hoàn thiện công tác chuyển đổi số trong thời gian tới.