Mô hình kinh tế đột phá
Cách đây gần 10 năm, chăn nuôi gia súc trên địa bàn xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm phát triển khá mạnh, chủ yếu là bò sữa với số lượng gần 2.000 con. Trung bình mỗi ngày, lượng chất thải trong chăn nuôi thải ra môi trường khoảng 25 – 30 tấn. Tuy nhiên, việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi lại chưa được triệt để do phần lớn các gia đình nuôi bò sữa trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường nặng nề.
Trăn trở trước bài toán ô nhiễm môi trường, đồng thời muốn tận dụng nguồn chất thải trong chăn nuôi phục vụ sản xuất nông nghiệp, UBND xã Phù Đổng đã rà soát lại toàn bộ quỹ đất trên địa bàn để có định hướng trong phát triển kinh tế của địa phương. Sau khi rà soát, nhận thấy khu đất tại Cửa Đình, thôn Phù Dực 2 do xã quản lý chủ yếu là ao và thùng trũng bỏ hoang, bị người dân và các hộ chăn nuôi thường xuyên đổ phân, chất thải hữu cơ gây mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sinh hoạt của dân cư trong khu vực, UBND xã Phù Đổng đã xây dựng phương án “Điểm xử lý phân, chất thải hữu cơ trong chăn nuôi bò sữa chống ô nhiễm môi trường, kết hợp mô hình vườn ao và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất”.
Năm 2016, phương án được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt và người trúng thầu là ông Nguyễn Xuân Hùng, ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm. Với tổng diện tích hơn 15,6ha, sau khi được giao đất, ông Hùng đã triển khai các hạng mục theo đúng thiết kế như: Khu xử lý và nuôi giun quế; khu sản xuất chế biến tạo phân hữu cơ; nhà kho chứa vật tư; khu trưng bày sản phẩm; nhà quản lý điều hành, nhà nghỉ tạm cho công nhân, nhà bảo vệ; khu vực trồng hoa, trồng cây ăn quả; khu hồ tích thủy chống úng ngập…
Nhớ lại những ngày đầu triển khai phương án, ông Hùng không khỏi bùi ngùi. Ông cho biết: “Đó là một vùng đất bỏ hoang, toàn thùng trũng, lau sậy mọc um tùm; phía bên ngoài, người dân đổ phân gia súc và chất thải hữu cơ tràn lan, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng”. Tuy nhiên, vì muốn làm một điều gì đó có ích cho xã hội, ông Hùng đã quyết tâm làm. Để có vốn đầu tư vào mô hình, ông huy động toàn bộ số tiền tích cóp được, đồng thời bán đất ở quê, vay người quen, ngân hàng… Sau 2 năm đầu tư và đi vào sản xuất đạt hiệu quả, năm 2019, ông tiếp tục làm phương án điều chỉnh bổ sung và được UBND huyện Gia Lâm phê duyệt. Lúc này, phương án của ông có tên là: “Xây dựng điểm xử lý phân, chất thải hữu cơ trong chăn nuôi bò sữa chống ô nhiễm môi trường kết hợp mô hình vườn ao và dịch vụ, nâng cao hiệu quả sử dụng đất”. Trong đó, bổ sung một số hạng mục công trình xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi kết hợp mô hình tham quan học tập, trao đổi kinh nghiệm.
Thành quả của công sức và trí tuệ
Thật khó có thể tưởng tượng được một khu đất bỏ hoang, bị ô nhiễm bởi chất thải ngày nào nay đã trở thành một mô hình vườn ao, dịch vụ sạch đẹp, khang trang, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm mang tên “Green Park”. Đây cũng chính là điểm tham quan, trải nghiệm sinh thái kết hợp du lịch tâm linh tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng; là điểm gắn kết chuỗi du lịch của Gia Lâm với các làng nghề, điểm du lịch như: Làng nghề hoa giấy Phù Đổng; làng gốm Bát Tràng; khu di tích đền Bà Tấm, xã Dương Xá…
Hiện tại, mô hình xử lý chất thải gia súc của ông Nguyễn Xuân Hùng ở xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đang thu gom chất thải chăn nuôi của gần 100 hộ dân, tương đương lượng chất thải được đưa vào xử lý khoảng 10 – 12 tấn/ngày. Mỗi tháng, mô hình sản xuất ra khoảng 60 – 80 tấn phân hữu cơ giun quế. Sản phẩm sau khi xử lý được tiêu thụ tại các huyện trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận như: Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang… Doanh thu trung bình đạt khoảng 210 triệu đồng/tháng; trong 5 năm (từ 2015 – 2020) đạt 12,6 tỷ đồng. Đối với mô hình tham quan học tập và trao đổi kinh nghiệm, tại đây có các khu chính như: Khu giáo dục trải nghiệm dành cho học sinh; khu nuôi giun công nghệ cao; khu sản xuất hoa công nghệ cao… thu hút khá nhiều khách tham quan du lịch, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Gia Lâm, đây là mô hình kinh tế có quy mô phù hợp với đặc điểm phát triển kinh tế của địa phương, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, tính năng vượt trội, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, mô hình đã thu hút rất nhiều đoàn đến thăm quan, học tập kinh nghiệm.
Đặc biệt năm 2022, điểm du lịch Green Park – một trong những khu hoạt động chính của mô hình đã được UBND TP công nhận đạt chất lượng OCOP 4 sao, đồng thời được Sở Du lịch Hà Nội công nhận là cơ sở kinh doanh dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống).