Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Gia Lâm: khai mạc Lễ hội cây cảnh hoa giấy xã Phù Đổng năm 2024

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sáng 13/11, tại khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức khai mạc Lễ hội cây cảnh hoa giấy xã Phù Đổng năm 2024 với chủ đề: “Sắc hoa trên miền di sản”.

Các đại biểu dự khai mạc Lễ hội cây cảnh hoa giấy xã Phù Đổng năm 2024.
Các đại biểu dự khai mạc Lễ hội cây cảnh hoa giấy xã Phù Đổng năm 2024.

Phát biểu khai mạc lễ hội, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Viết Cường cho biết, Lễ hội cây cảnh hoa giấy xã Phù Đổng năm 2024 diễn ra trong 6 ngày, từ ngày 12-17/11/2024 với nhiều hoạt động văn hóa văn nghệ; trưng bày, trình diễn nghệ thuật độc đáo, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho Nhân dân và du khách thập phương. Đây là một trong những hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động của Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024.

Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Viết Cường phát biểu khai mạc Lễ hội.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Dương Viết Cường phát biểu khai mạc Lễ hội.

Gia Lâm từ lâu đã được biết đến là vùng đất “địa linh nhân kiệt”, với bề dày truyền thống văn hóa và lịch sử, nơi giao thoa của hai dòng văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc. Khu di tích quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xã Phù Đổng là nơi thờ Đức Thánh Phù Đổng Thiên vương - một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam và là nơi diễn ra Hội Gióng - một trong những lễ hội kỳ thú, độc đáo nhất Việt Nam, được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào của người dân Phù Đổng nói riêng và huyện Gia Lâm nói chung.

Tiết mục diễn xướng hội Gióng tại Lễ hội cây cảnh hoa giấy.
Tiết mục diễn xướng hội Gióng tại Lễ hội cây cảnh hoa giấy.

Làng nghề hoa giấy Phù Đổng được hình thành cách đây hơn 20 năm, đến nay đã trở thành nghề chính với hàng trăm hộ trồng hoa giấy, đem lại thu nhập cao, góp phần nâng cao đời sống người dân địa phương. Hiện, giá trị sản xuất bình quân 1ha hoa giấy đạt hơn 900 triệu đồng/năm...  Nhờ đó, diện tích chuyển đổi sang trồng hoa giấy ngày càng được mở rộng, đến nay xã có hơn 150ha trồng hoa giấy với khoảng 450 hộ tham gia.  Năm 2023, Phù Đổng đã có sản phẩm hoa giấy bonsai và hoa giấy ngũ sắc đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao.

Xã Phù Đổng đón nhận quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể "Hoa giấy Phù Đổng".
Xã Phù Đổng đón nhận quyết định công nhận nhãn hiệu tập thể "Hoa giấy Phù Đổng".

Những năm qua, huyện Gia Lâm đã đầu tư xây dựng, định hướng phát triển du lịch - văn hóa gắn với công nghiệp văn hoá theo tinh thần Nghị quyết số 09 của Thành uỷ Hà Nội. Tính đến nay, huyện Gia Lâm đã có 4 điểm du lịch được TP công nhận là: Bát Tràng, Phù Đổng, Dương Xá và Kim Lan. Huyện cũng đang nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển du lịch Gia Lâm giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045.

Các đại biểu tham quan khu trưng bày cây cảnh hoa giấy.
Các đại biểu tham quan khu trưng bày cây cảnh hoa giấy.

Đây là cơ hội, điều kiện thuận lợi để các địa phương cũng như Phù Đổng cùng cộng hưởng sáng tạo, đề xuất những sáng kiến của mình xây dựng các mô hình không gian sáng tạo; tổ chức các hoạt động thiết kế, sáng tạo dưới nhiều hình thức, gắn các không gian di sản văn hoá, làng nghề; trình diễn, giới thiệu giá trị di sản văn hóa, làng nghề truyền thống, ẩm thực,... tiêu biểu của địa phương. Từ đó nhằm khơi nguồn, hình thành những sản phẩm văn hóa chất lượng, có tính sáng tạo, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn huyện.

Các đại biểu chiêm ngưỡng nghệ thuật cắt ghép cây cảnh hoa giấy của một số nhà vườn.
Các đại biểu chiêm ngưỡng nghệ thuật cắt ghép cây cảnh hoa giấy của một số nhà vườn.

Tại lễ hội, xã Phù Đổng vinh dự được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) trao quyết định nhãn hiệu tập thể “Hoa giấy Phù Đổng”. Đây là sự khẳng định đối với hoa giấy Phù Đổng trên thị trường, góp phần quan trọng vào việc bảo hộ sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.