Gần một tháng trở lại đây, bà Nguyễn Thị Hà (thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng) không thể sử dụng nguồn nước sạch từ Trạm cấp nước tập trung do Công ty TNHH Nước sạch Hùng Thành Phù Đổng (gọi tắt là Công ty Hùng Thành) cung cấp. Nguyên nhân là bởi nguồn nước cấp bị vẩn đục, về cảm quan không bảo đảm chất lượng. Hiện, gia đình bà Hà đang phải sử dụng nước giếng khoan qua lọc. Ghi nhận thực tế cho thấy, nguồn nước từ hệ thống cấp nước của Công ty Hùng Thành, sau khi đưa vào bể chứa một thời gian thì xuất hiện lắng cặn. Chất lượng nước thay đổi lúc đục, lúc trong tùy theo từng thời điểm lấy mẫu trong ngày. Nhiều mẫu có mùi tanh do chứa hàm lượng sắt trong nước cao… Ngoài 900 hộ dân với khoảng 4.000 nhân khẩu thôn Đổng Viên, hàng nghìn người dân thuộc các thôn Phù Đổng 1, Phù Đổng 2 cũng đang bị ảnh hưởng từ tình trạng nguồn nước chất lượng kém. Mặc dù đã phải trả ít nhất 5.973 đồng/m3 nước, song người dân xã Phù Đổng không thể hài lòng với chất lượng nguồn nước được cấp.Đại diện Công ty Hùng Thành thừa nhận, chất lượng nguồn nước thời gian qua của đơn vị cung ứng có thời điểm bị đục. Nguyên nhân là do đơn vị đang tiến hành… sục rửa hệ thống cấp nước sạch. Đại diện Công ty này cũng cho biết, chất lượng nước được đơn vị tiến hành kiểm nghiệm hàng tháng thông qua Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế). Trong 3 tháng gần đây, tất cả các chỉ tiêu đều trong ngưỡng cho phép. Cũng theo đại diện Công ty này, công tác sục rửa hệ thống cấp nước sạch sẽ còn kéo dài cho tới ngày 25/8/2019 và mong người dân… thông cảm (?!)Dân muốn đổi đơn vị cấp nướcHoài nghi về chất lượng nguồn nước, nhiều hộ dân xã Phù Đổng đã không sử dụng và kiến nghị lên UBND xã, đề nghị được thay đổi đơn vị cấp nước sạch. Theo đó, họ muốn được sử dụng nước từ Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty CP Nước mặt sông Đuống cung cấp, thay vì nguồn nước từ Trạm cấp nước sạch xã Phù Đổng của Công ty Hùng Thành.Ông Nguyễn Văn Thịnh - Trưởng thôn Đổng Viên, xã Phù Đổng cho biết, để xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống, TP Hà Nội đã thu hồi 40ha đất theo Nghị định 64-CP của thôn Đổng Viên và hơn 20ha đất 64 của xã Trung Mầu, được Nhân dân hai xã đồng tình ủng hộ. Lãnh đạo TP và huyện Gia Lâm đã hứa sau khi hoàn thành dự án giai đoạn I sẽ ưu tiên cho hai xã Phù Đổng và Trung Mầu sử dụng trước. Tuy nhiên đến nay, khi dự án đã hoàn thành giai đoạn I và đã phục vụ cho nhiều đơn vị, địa phương thì người dân xã Phù Đổng lại chưa được sử dụng.Theo lý giải của Phó Chủ tịch UBND xã Phù Đổng Nguyễn Thị Thúy, trong giai đoạn 2014 – 2015, khi UBND TP Hà Nội kêu gọi xã hội hóa việc cung cấp nước sạch, Công ty Hùng Thành đã tham gia đầu tư trạm cấp nước trên địa bàn xã. Từ năm 2015 đến nay, DN này đã đầu tư xây dựng đường ống lắp đặt cũng như các hạng mục phụ trợ, phục vụ mục tiêu cấp nước cho người dân xã Phù Đổng. Toàn xã Phù Đổng có khoảng 4.000 hộ dân, đến nay, tuy Công ty Hùng Thành đã lắp đặt 1.800 đồng hồ nước nhưng mới chỉ có khoảng 1.000 hộ dân sử dụng.Trước những bức xúc, kiến nghị của người dân, UBND xã Phù Đổng và huyện Gia Lâm cũng đang rốt ráo tìm phương án giải quyết. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Lê Anh Quân - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm cho biết, huyện đang giao Công ty CP Nước mặt sông Đuống mua lại dự án của Công ty Hùng Thành. Trên cơ sở hạ tầng của Công ty Hùng Thành, Công ty CP Nước mặt sông Đuống sẽ tiếp nhận để tiếp tục đầu tư, cung cấp nước cho người dân Phù Đổng. Hiện tại, hai DN này đang trong quá trình thỏa thuận để đi tới thống nhất.
Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống khởi công ngày 9/3/2017, khánh thành giai đoạn 1 và khởi công xây dựng giai đoạn 2 ngày 13/10/2018. Dự án xây dựng trên diện tích gần 61,5ha tại các xã Phù Đổng, Trung Mầu (huyện Gia Lâm), do Công ty CP Nước mặt sông Đuống làm chủ đầu tư. Theo quy hoạch đến năm 2020, Nhà máy nước đạt công suất 300.000m3/ngày đêm. Quy mô cấp nước của dự án định hướng đến năm 2030 sẽ đạt 600.000m3/ngày đêm và tối đa đến 900.000m3/ngày đêm vào năm 2050. Hiện tại, công suất của Nhà máy đang đạt 150.000m3/ngày đêm. |