Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Gia Lâm: Khơi dậy nhiều tiềm năng từ Chương trình OCOP

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từ năm 2018 đến nay, Gia Lâm đã có hàng chục sản phẩm được đánh giá, phân hạng từ 3 sao đến 5 sao. Đây là kết quả tích cực, góp phần khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của huyện Gia Lâm trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát huy giá trị văn hóa của địa phương.

Các sản phẩm tinh dầu, bột nghệ đạt 3 sao, 4 sao của cơ sở sản xuất tinh bột nghệ bà Bé, xã Dương Xá. Ảnh: Hoàng Quyết
Sự vào cuộc tích cực
Ông Nguyễn Tiến Hoàng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020 và UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình này, UBND huyện Gia Lâm đã xây dựng đề án và ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện.

Huyện đã kiện toàn hệ thống quản lý, điều hành Chương trình OCOP đồng bộ từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn. Huyện rà soát, đánh giá các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp để xây dựng cơ sở dữ liệu về các sản phẩm tiêu biểu; làm nền tảng xây dựng các sản phẩm OCOP. Đồng thời, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu 100% cán bộ quản lý Chương trình OCOP cấp huyện và cấp xã, thị trấn được đào tạo, tập huấn nâng cao nghiệp vụ quản lý, điều hành triển khai trực tiếp Chương trình OCOP; 100% các nhà quản lý của các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ hộ có đăng ký sản xuất, kinh doanh thực hiện Chương trình OCOP được đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh...

UBND huyện Gia Lâm đã thành lập Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP đến năm 2020; ban hành quy chế phân công nhiệm vụ thành viên Hội đồng và Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP; thực hiện công tác đào tạo tập huấn và nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, hướng dẫn triển khai Chương trình OCOP và huy động nguồn lực thực hiện Chương trình...

Kết quả sau 2 năm triển khai, Chương trình OCOP huyện Gia Lâm đã đạt được kết quả tích cực, 49/49 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình đều được đánh giá, phân hạng từ 3 sao đến 5 sao. Trong đó, có 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 36 sản phẩm đạt 4 sao và 8 sản phẩm đạt 3 sao.

Cụ thể, 5 sản phẩm tiềm năng 5 sao là sản phẩm gốm sứ của Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh và HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (xã Bát Tràng). Các sản phẩm đạt 4 sao và 3 sao tập trung vào các loại rau, quả tươi (xã Văn Đức); các loại trà (xã Ninh Hiệp); sữa tươi, sữa chua (xã Phù Đổng); sản phẩm nông nghiệp chế biến như viên nghệ, tinh dầu, bột nghệ các loại (xã Dương Xá)...

Nâng cả chất và lượng

Đánh giá về những kết quả đạt được, Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Tiến Hoàng cho rằng, tuy mới được triển khai trong thời gian ngắn từ năm 2018 đến nay, song Chương trình OCOP của huyện Gia Lâm đã đạt được những kết quả tích cực, nhất là nhận thức của xã hội và cấp ủy, chính quyền các cấp, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã về vị trí của Chương trình OCOP trong phát triển kinh tế nông thôn. Các sản phẩm OCOP được xếp hạng có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm... Tuy nhiên, Chương trình OCOP còn tương đối mới nên việc thực hiện vẫn còn có những hạn chế nhất định.

Để Chương trình OCOP được triển khai hiệu quả, trong giai đoạn 2021 - 2025, huyện Gia Lâm sẽ tiếp tục hỗ trợ, tư vấn nâng cấp các sản phẩm để tham gia đánh giá phân hạng, nâng thứ hạng sao đối với sản phẩm được đánh giá, phân hạng OCOP năm 2019 - 2020, bao gồm 44 sản phẩm được đánh giá phân hạng OCOP 3 sao và 4 sao.

Huyện tiếp tục khảo sát, đăng ký đánh giá phân hạng mới đối với các sản phẩm tiềm năng như: Sản phẩm thủ công mỹ nghệ của các làng nghề truyền thống như gốm sứ xã Bát Tràng, Kim Lan; dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ; rau an toàn của các xã Văn Đức, Đặng Xá; rau mầm xã Đình Xuyên; rau thủy canh, giá an toàn xã Đa Tốn; ổi xã Đông Dư; ổi lê xã Phú Thị, Dương Xá; chuối xã Kim Sơn, Phú Thị; chuối cấy mô thị trấn Trâu Quỳ; rau cải mầm xã Đình Xuyên; thực phẩm thịt tươi sống, thực phẩm qua chế biến của Công ty cổ phần Lan Vinh, Công ty cổ phần Hải Nguyên; trà xạ đen xã Yên Thường; sản phẩm thảo dược xã Ninh Hiệp; sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch tại 5 làng nghề truyền thống xã Bát Tràng, Kim Lan, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp...

Cũng theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, trong năm 2021, huyện dự kiến tham gia đánh giá 30 sản phẩm OCOP; năm 2022 - 2025 tham gia đánh giá từ 40 sản phẩm trở lên.

Hiện tại, các sản phẩm được UBND TP Hà Nội công nhận tiềm năng 5 sao năm 2019 của Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh và HTX sản xuất kinh doanh gốm sứ Tân Thịnh (xã Bát Tràng) đã được Đoàn thẩm định của Hội đồng thẩm định và Tổ giúp việc Hội đồng thẩm định T.Ư về kiểm tra trực tiếp tại cơ sở. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ để UBND TP đề nghị T.Ư đánh giá, phân hạng công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.