Huyện Gia Lâm: Tín hiệu vui từ các cửa hàng bán đồ ăn mang về

Hoàng Quyết
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Sau 1 ngày thực hiện Kế hoạch số 232/KH-UBND của UBND huyện Gia Lâm về tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn theo tinh thần Chỉ thị số 20/CT-UBND của UBND TP Hà Nội, các nhà hàng, quán ăn thuộc “vùng xanh” trên địa bàn huyện Gia Lâm đã mở cửa bán hàng trở lại.

Tuy số lượng chưa nhiều song theo đánh giá chung, việc cho phép các nhà hàng, quán ăn mở cửa bán hàng mang về đã bước đầu tạo tín hiệu tích cực, mở ra hy vọng cho người dân sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống lâu dài.

 Một quán phở trên đường Cổ Bi đã mở hàng bán cho khách mang về.
Nhiều khó khăn nhưng giá bán không tăng

Nhanh tay chuẩn bị các túi nước chấm cho các suất bún chả mang về, chị Vũ Thu Hằng – chủ quán “Bún chả chị Hằng” trên đường Cổ Bi, xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm cho biết, ngày hôm qua (6/9), ngay sau khi Kế hoạch 232 của UBND huyện Gia Lâm có hiệu lực, chị nhận được cuộc gọi của cán bộ Trạm Y tế xã thông báo quán của chị được phép mở cửa trở lại, nhưng chỉ bán hàng mang về. Nghe điện xong, chị vô cùng phấn khởi, lập tức cùng chồng con ra cửa hàng rửa dọn đồ nghề. Sáng sớm ngày 7/9, chị dậy sớm đi chợ lấy nguyên liệu, thực phẩm về chế biến. Mặc dù mới là ngày đầu tiên mở bán, khách hàng nhiều người còn chưa biết nhưng chị đã bán được hơn 100 suất bún chả mang về. “So với trước khi bị đóng cửa bởi dịch Covid-19, số lượng hàng bán được chỉ bằng 50% trước đây” – chị Hằng nhẩm tính.
Việc mở lại cửa hàng trong thời điểm này là niềm vui của các chủ cơ sở kinh doanh, song họ cũng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Nguyên liệu tăng giá, khách hàng giảm, nhà phải thuê, nhân viên cho nghỉ gần hết… Thế nhưng những chủ quán như chị Hằng không hề ca thán. Chị bảo, nguyên liệu tăng nhưng quán của chị vẫn giữ giá bán như trước, 25.000 đồng/suất, bởi khách hàng của chị hầu hết là công nhân, người lao động xung quanh khu vực xã Cổ Bi. “Nhiều khó khăn nhưng vì tình hình chung, chúng tôi vẫn cố gắng khắc phục. Chỉ mong sao dịch bệnh sớm chấm dứt, người dân được đi lại nhiều, hàng quán hoạt động thuận lợi hơn” – chị Hằng nói.

 Chị Vũ Thu Hằng – chủ quán ''Bún chả chị Hằng'' đang chuẩn bị nước chấm cho món bún chả mang về.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bi Đào Văn Tuyến, trên địa bàn xã hiện có 39 cơ sở kinh doanh ăn uống. Ngày 6/9, ngay sau khi Kế hoạch 232 của UBND huyện Gia Lâm có hiệu lực, xã đã thông báo nội dung đến từng thôn, tổ dân phố và từng cửa hàng kinh doanh. Tính đến ngày 7/9, có khoảng 50% cơ sở kinh doanh hàng ăn đã hoạt động trở lại, chủ yếu bán đồ ăn sáng và ăn trưa mang về, tuy vẫn còn vắng khách. Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Bi cho biết, khả năng trong một vài ngày tới, các cửa hàng bán đồ ăn sẽ mở cửa nhiều hơn.
Chỉ mong dịch bệnh qua nhanh
Theo Kế hoạch số 232/KH-UBND của UBND huyện Gia Lâm ban hành ngày 5/9/2021 về tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn (Vùng 2) trên tinh thần Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 3/9/2021 của UBND TP Hà Nội, huyện Gia Lâm đã sắp xếp các xã, thị trấn thành 3 phân khu theo mức độ nguy cơ của dịch bệnh, đó là: Phân khu 1 (vùng đỏ), Phân khu 2 (vùng da cam) và Phân khu 3 (vùng xanh).
Tại Phân khu 3 (vùng xanh), 19/22 xã, thị trấn nằm trong phân khu này được phép mở cửa trở lại đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn (không uống), nhưng chỉ được bán hàng mang về, bao gồm: Các xã Dương Hà, Đình Xuyên, Phù Đổng, Trung Mầu, Ninh Hiệp, Yên Thường, Yên Viên, Kim Lan, Văn Đức, Kiêu Kỵ, Cổ Bi, Đặng Xá, Phú Thị, Dương Xá, Đa Tốn, Lệ Chi, Dương Quang và 2 thị trấn Yên Viên, Trâu Quỳ. Bên cạnh đó, tại các xã, thị trấn vùng xanh và vùng da cam, UBND huyện Gia Lâm cũng cho phép các công trình xây dựng, các cửa hàng vật liệu xây dựng được tiếp tục hoạt động, kinh doanh trở lại.
 Một số cơ sở kinh doanh đồ ăn vẫn chưa hoạt động trở lại. 
Tuy nhiên sau 1 ngày Kế hoạch 232 có hiệu lực, các nhà hàng, quán ăn, cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Gia Lâm mới mở cửa cầm chừng. Theo Chủ tịch UBND thị trấn Trâu Quỳ Nguyễn Thị Thúy Hường, trong các ngày 6 - 7/9, trên địa bàn thị trấn mới có một số cơ sở kinh doanh đồ ăn mở cửa trở lại, chủ yếu bán hàng bình dân mang về cho các đối tượng sinh viên, thanh niên, lao động quanh khu vực; các nhà hàng lớn vẫn “án binh bất động”. Bên cạnh đó, các cửa hàng vật liệu xây dựng, kinh doanh hàng thiết yếu cũng rục rịch hoạt động trở lại.
Tại xã Yên Viên - một xã nằm khá xa trung tâm huyện Gia Lâm, ông Nguyễn Văn Kỷ - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cũng cho biết, sau khi UBND huyện Gia Lâm ban hành Kế hoạch 232, xã đã thông báo đến các thôn, tổ dân phố và hộ kinh doanh, tuy nhiên chưa có hàng quán nào trên địa bàn hoạt động trở lại. “Khả năng phải 2-3 ngày tới, các cửa hàng ăn trên địa bàn xã mới mở cửa, vì họ cần có sự chuẩn bị” – ông Nguyễn Văn Kỷ nói.
Tuy còn nhiều khó khăn khi mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, song cả người kinh doanh và khách hàng đều cảm thấy vui mừng, phấn khởi vì dần được trở lại cuộc sống bình thường. Dịch bệnh Covid-19 hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, song với tinh thần “chống dịch như chống giặc” của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, hy vọng rằng dịch bệnh sẽ sớm được dập tắt, người dân sẽ sớm được trở lại cuộc sống bình thường.   

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần