Huyện Hoài Đức: "Dưỡng quân” để “trường sức” trong phòng chống dịch Covid-19

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của UBND huyện Hoài Đức, hiện tại trên địa bàn đã lập 15 chốt phong tỏa cách ly của huyện, 138 chốt của các xã, thị trấn và 159 chốt của các thôn xóm, tổ dân phố, để kiểm soát hoạt động đi lại của người dân trên địa bàn. Với sự tham gia của 2.739 người, gồm các lực lượng Công an, Quân sự, Y tế, Đoàn thanh niên, Hội cựu chiến binh…

Các lực lượng trực chốt được trang bị đầy đủ phương tiện đảm bảo phòng chống dịch (khẩu trang, nước sát khuẩn, nhiệt độ), luân phiên nhau theo dõi người và phương tiện đi lại (có phiếu kiểm soát đi lại và giấy đi đường) được cấp có thẩm quyền cấp.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài chế độ chung theo quy định, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trên địa bàn đã ủng hộ lực lượng chốt trực rất nhiều nhu yếu phẩm, trang thiết bị; vì vậy chế độ ăn uống, nghỉ ngơi của lực lượng tham gia chốt trực trên địa bàn Hoài Đức được đảm bảo tốt. 
 Do có sự đồng lòng tiếp sức của người dân, chế độ ăn nghỉ tại các chốt trực Covid -19 trên địa bàn Hoài Đức được đảmbảo
Trò chuyện với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị vào trưa 3/8, Tổ trưởng tổ gác số 5 (xã Song Phương) Nguyễn Viết Viễn cho biết: "Tuy thời tiết mấy hôm nay nắng nóng, nhưng chúng tôi được bà con trong xã tiếp tế đầy đủ nước uống, quạt mát, hoa quả; về đồ ăn – ngày 2 bữa lực lượng chốt tại gác được phục vụ 2 bữa cơm do UBND xã nấu phục vụ tận nơi, để đảm bảo sức khỏe chiến đấu với “giặc” Covid -19". 
 Các chốt trực trên địa bàn xã An Khánh luôn được người dân, hỗ trợ phục vụ cơm, nước uống 
Tại chốt trực xã An Khánh, dù thời tiết trưa nay khá nắng nóng; nhưng trò chuyện với chúng tôi, trung úy Nguyễn Danh Thông, Công an xã An Khánh chia sẻ: "Từ hôm thực hiện Chỉ thị 17 của Chủ tịch UBND TP về cách ly xã hội, lực lượng Công an xã An Khánh chúng tôi luôn túc trực 24/24, để đảm bảo tuyệt đối trật tự an ninh. “Về đời sống thì khỏi lo, vì bếp ăn do Hội phụ nữ xã phục vụ ngày 2 bữa rất chu đáo và ngon miệng”, trung úy Nguyễn Danh Thông vui vẻ cho biết. 
 Một điểm chốt trực tại huyện Hoài Đức
“Đột nhập” vào khu bếp dã chiến của xã An Khánh (lúc 11h25 phút trưa 3/8), qua quan sát của chúng tôi, hơn 100 suất cơm ngon lành đã được các chị trong thành viên trong Hội phụ nữ xã chuẩn bị tươm tất. Mỗi suất ăn bao gồm cơm trắng, rau xào, trứng rán, thịt quay, hoa quả tráng miệng…được đặt trong hộp xốp, bốc khói thơm lừng. 
 Hội viên Hội phụ nữ xã An Khánh chuẩn bị bữa ăn trưa cho các lực lượng chốt trực trên địa bàn
Trò chuyện với phóng viên, Hội trưởng Hội Phụ nữ xã An Khánh Chu Thị Dung vui vẻ: "Lâu nay chúng tôi chỉ nấu nướng phục vụ gia đình, nay do dịch bệnh xảy ra, phụ nữ chúng tôi cũng góp một phần nhỏ bé, cùng với toàn xã hội chung tay chống dịch. Đây cũng là dịp hiếm có để chị em trổ tài khéo tay”…
 Hội trưởng Hội LHPN xã An Khánh Chu Thị Dung đang chế biến thức ăn cho lực lượng chốt trực trua 3/8
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường cho biết: Ngoài chế độ chung theo quy định; các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và người dân trên địa bàn huyện đã ủng hộ nhiệt tình về vật chất và tinh thần cho lực lượng tham gia phòng chống Covid -19. Ngoài nước uống, sữa, hoa quả, nhiều tổ chức, cá nhân còn “góp gạo, thổi cơm chung”, phục vụ cho các lực lượng tham gia chống dịch. Bên cạnh lương thực, thực phẩm, các chốt trực còn được tặng ô, dù, lều bạt, quạt hơi nước… để chống chọi với thời tiết thay đổi thất thường. 
 Bà Chu Thị Dung trao suất ăn trưa cho cán bộ Y tế để đưa cho đối tượng cách ly đặc biệt
Theo ông Nguyễn Hoàng Trường, địa bàn huyện có 4 xã đang phải phong tỏa một phần (là Sơn Đồng, Yên Sở, An Thượng, An Khánh); để đảm bảo đời sống cho người dân và an toàn phòng chống dịch; lương thực, thực phẩm (được các tổ chức, cá nhân cung cấp miễn phí). Về nhu yếu phẩm, gia đình nào có nhu cầu, Tổ Covid cộng đồng hỗ trợ việc mua bán và chuyển đến tận nơi.
 Cán bộ Công an huyện Hoài Đức tại chốt trực xã An Thượng đang hướng dẫn shipppe đưa hành vào vào vùng phong tỏa
Về sản xuất nông nghiệp, trên địa bàn huyện có 3 xã chuyên canh rau là Tiền Yên, Song Phương và Vân Côn; với sản lượng khoảng 30 tấn/ngày. Chính quyền các địa phương thực hiện phát phiếu (mỗi hộ 1 người/ngày). Khi thu hoạch, số lượng người được tăng thêm, đáp ứng nhu cầu thực tế. Toàn bộ sản phẩm được điều tiết (khoảng 20 tấn tiêu thụ nội huyện), số còn lại đã được Sở Công Thương bao tiêu; ông Trường cho biết tiếp. 
 "Dưỡng quân" để "trường sức" trong công tác phòng chống Covid -29 ở Hoài Đức là cách làm đáng tham khảo.
Từ khi dịch bùng phát, ngoài số bệnh nhân đã được cách ly điều trị, đến 3/8, trên địa bàn Hoài Đức chỉ ghi nhận 1 ca dương tính (là trường hợp nữ bệnh nhân PTB, sinh năm 1986, ở thôn An Hạ, xã An Thượng - là F1 của BN CTT), đã lấy mẫu xét nghiệm (kết quả âm tính) và chuyển cách ly tập trung ngày 20/7. Đến 3/8, người bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính, ngoài ra không phát sinh ca mắc mới trong cộng đồng.
“Không chủ quan với những gì đã đạt được, với công tác phòng chống Covid -19, chúng tôi luôn tích cực, không một giây lơ là. Đối với các lực lượng thường trực, chúng tôi thực hiện chính sách “Dưỡng quân” để “trường sức” – vì cuộc chiến chống Covid còn dài…”- Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường khẳng định.