Huyện Hoài Đức: Gắn trách nhiệm cán bộ trong quản lý đất đai, xây dựng

Hữu Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoài Đức là một trong những huyện đang có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, bên cạnh đó địa phương còn có nhiều hộ dân bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp ở các vị trí gần khu dân cư. Kéo theo những yếu tố này là bất cập trong công tác quản lý đất đai, xây dựng. Giảm vi phạm

Giảm vi phạm
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh, những năm trước, sự phối hợp giữa các đơn vị còn chưa chặt chẽ, thiếu quyết liệt, tâm lý cán bộ còn né tránh, ngại va chạm, nhưng những năm gần đây, nhờ có sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND huyện, trách nhiệm của từng đơn vị, cán bộ chuyên môn và các xã, thị trấn cũng được phân định rõ ràng, cụ thể. Huyện đã đưa nội dung này thành tiêu chí để bình xét thi đua, do vậy cán bộ các đơn vị đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình, nghiêm túc chấp hành thực hiện theo chỉ đạo trong công tác quản lý đất đai, xây dựng.
 Một trong những trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng tại xã La Phù đã được phát hiện và xử lý kịp thời
“Thời gian qua, vi phạm trật tự xây dựng ở địa bàn chủ yếu xảy ra trên đất nông nghiệp, trong khi đó Thông tư 03/2018/TT-BXD ngày 24/4/2018 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 thay thế Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ không có quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với đất nông nghiệp, đã gây khó khăn cho quá trình giải quyết. Nhưng quan điểm của UBND huyện cương quyết chỉ đạo, giám sát chặt chẽ công tác xử lý vi phạm ở tại cơ sở ngay từ khi mới xảy ra. Chính yếu tố này đã đẩy lùi vi phạm về đất đai, xây dựng, giúp ổn định tình hình” - ông Nguyễn Anh chia sẻ.
Nhờ có sự quyết liệt vào cuộc của các cấp, ngành, năm 2019 toàn huyện có gần 180  trường hợp vi phạm đất đai, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công nhưng đến năm 2020 đã giảm xuống còn 150 trường hợp vi phạm, đã kịp thời được phát hiện, xử lý.
Từ đầu năm 2021 đến nay, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị phối hợp với các đơn vị và 20 xã, thị trấn kiểm tra phát hiện hơn 40 trường hợp vi phạm san lấp đất nông nghiệp rồi dựng lều lán hoặc trồng cây, tập trung tại các xã, như: Vân Côn, Song Phương, Đông La, Dương Liễu…, đã kịp thời vận động tháo dỡ hoặc cưỡng chế công trình ngay từ khi mới phát sinh.
Cương quyết xử lý
Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức Hồ Thị Na khẳng định, quá trình xử lý các trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công đều được giải thích kỹ về quy định và hành vi vi phạm, nên các cá nhân đã hiểu rõ vấn đề, sau khi tháo dỡ công trình không còn có ý kiến thắc mắc. Việc quyết liệt xử lý vi phạm đất đai, xây dựng trên toàn địa bàn huyện thời gian gần đây đã giúp cán bộ gắn kết trách nhiệm trong công tác quản lý, không để tái diễn vi phạm.
“Hàng năm UBND huyện xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đơn vị cùng 20 xã, thị trấn còn kiểm tra xử lý những trường hợp vi phạm đổ trộm phế thải xây dựng, san lấp đất công trái phép. Cùng với đó, mạnh tay xử lý các trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chính sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo, giám sát quá trình thực hiện của các đơn vị giúp vi phạm về lĩnh vực đất đai, xây dựng thời gian gần đây giảm rõ rệt” - bà Hồ Thị Na nhấn mạnh.
Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Hoài Đức Nguyễn Thuận Thịnh cho biết, UBND huyện đã ban hành quyết định nêu rõ quy chế phối hợp giữa các đơn vị và 20 xã, thị trấn. Quy chế phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, cá nhân và lãnh đạo đơn vị. Mục đích ban hành quyết định nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm, tạo ra phong trào thi đua trong việc tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những hành vi vi phạm trong công tác quản lý xây dựng, đất đai.