Từ khi vườn trồng nho của ông Nguyễn Hữu Hùng (thôn Thanh Quang, xã An Thượng) cho thu hoạch, nhiều đoàn khách ở các địa phương đến thăm quan và học tập. Lúc cao điểm, có ngày khu vườn thu hút đến 500 lượt khách đến trải nghiệm và thưởng thức nho tươi. Đây được xem là mô hình để những người nông dân canh tác rau an toàn, rau hữu cơ trên các xã được coi là vựa rau của Hoài Đức như Song Phương, Vân Côn, Tiền Yên học hỏi.
Ngoài ra huyện Hoài Đức còn một “mỏ vàng” phục vụ du lịch, đó là hệ thống di tích, di sản văn hóa. Trong đó có những di tích nổi tiếng như khu lăng mộ đá (xã Lại Yên), đình Tiền Lệ (xã Tiền Yên) di tích còn giữ được kiến trúc, sắc thái nghệ thuật thời Lê; đền Giang Xá (thị trấn Trạm Trôi - nơi thờ Đức vua Lý Nam Đế); đình Quán Giá (còn gọi là đình Yên Sở -xã Yên Sở) thờ danh tướng Lý Phục Man, một vị tướng của vua Lý Nam Đế, đã có công lao to lớn với Nhà nước Vạn Xuân – Nhà nước độc lập đầu tiên của dân tộc…
Theo thống kê tính đến tháng 11/2023, huyện Hoài Đức đã có 110 di tích được xếp hạng (69 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 41 di tích xếp hạng cấp Thành phố).
Theo Trưởng phòng VH&TT huyện Hoài Đức Nguyễn Văn Thuận, năm 2023, huyện Hoài Đức đã tập trung thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho chương trình phát triển du lịch - tạo dựng cơ sở hạ tầng du lịch thuận lợi, chất lượng, phát huy giá trị văn hóa của các di tích, lễ hội, nghề truyền thống. Huyện cũng tổ chức thành công lễ hội thiết kế sáng tạo làng nghề thủ công mỹ nghệ xã Sơn Đồng năm 2023. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động lễ hội thiết kế sáng tạo Thủ đô và Festival làng nghề truyền thống Việt Nam năm 2023. Huyện phối hợp Sở Du lịch tổ chức hội nghị tập huấn kiến thức phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn huyện Hoài Đức năm 2023; tham gia Đoàn công tác thăm và trao đổi kinh nghiệm về xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp nông thôn tại các tỉnh, thành phố Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng năm 2023 và các lớp tập huấn khác của Sở Du lịch. Phối hợp với các cơ quan truyền thông xây dựng và đăng tải các tin bài, nhằm quảng bá các mô hình phát triển du lịch, điểm đến di tích lịch sử trên địa bàn.
Nằm ngay sát các quận như Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, nên nếu huyện Hoài Đức đầu tư các mô hình du lịch hấp dẫn, sẽ thu hút đông đảo du khách. Đơn cử cứ vào dịp cuối tuần, đoạn đường trước cổng khu du lịch Thiên đường Bảo Sơn (xã An Khánh) liên tục rơi vào ùn tắc cục bộ vì du khách thập phương. Từ Tết Nguyên đán năm 2022, khi UBND huyện Hoài Đức tổ chức điểm du Xuân tại Khu đô thị Bắc An Khánh, trong mấy ngày Tết đã có hàng trăm ngàn du khách khắp nơi đổ về.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Hoàng Trường thông tin, năm 2024, Hoài Đức sẽ thực hiện công tác quy hoạch phát triển du lịch một số làng nghề truyền thống trên địa bàn. Giữ vững các thương hiệu sản phẩm làng nghề, chú trọng xây dựng các thương hiệu mới cho các sản phẩm làng nghề. Triển khai xây dựng chương trình du lịch làng nghề, du lịch xanh gắn với phát huy điểm đến các di tích lịch sử trên địa bàn, từng bước đưa vào điểm đến trong trang du lịch làng nghề của Thành phố.