Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Hoài Đức hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/11, UBND huyện Hoài Đức long trọng tổ chức Lễ hưởng ứng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và tuyên truyền, giới thiệu các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn huyện Hoài Đức.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cho biết, huyện Hoài Đức là vùng đất cổ, có bề dày lịch sử hàng nghìn năm - Là một trong những địa bàn sinh tụ chính của cư dân Văn Lang thời dựng nước. Do đó, địa bàn huyện phong phú cả về di sản văn hoá vật thể và di sản văn hoá phi vật thể. Theo Danh mục tổng kiểm kê di tích toàn TP, huyện Hoài Đức có 269 di tích. 

Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận phát biểu tại buổi lễ
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận phát biểu tại buổi lễ

Tính đến tháng 5/2024, toàn huyện có 111 di tích được xếp hạng, trong đó có  69 di tích cấp Quốc gia, 42 di tích cấp TP. Đặc biệt, trên địa bàn huyện có hàng loạt các di tích thờ Lý Bí - vị Hoàng đế đầu tiên của dân tộc Việt Nam và Lý Phục Man, người có công xây dựng và bảo vệ nhà nước Vạn Xuân độc lập vào thế kỷ thứ VI. Theo Danh mục kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể TP Hà Nội ban hành kèm theo Quyết định 1511/QĐ-SVH&TT ngày 6/12/2016 của Sở VH&TT TP Hà Nội, huyện Hoài Đức có 55 di sản văn hoá phi vật thể, bao gồm các loại hình: Nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian, di sản ưu tiên bảo vệ và 1 di sản phi vật thể được UNESCO ghi danh.

Các nghệ nhân dân gian của huyện Hoài Đức trình diễn trích đoạn Tuồng tại  buổi lễ.
Các nghệ nhân dân gian của huyện Hoài Đức trình diễn trích đoạn Tuồng tại  buổi lễ.

Tính đến hết năm 2024, trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, huyện Hoài Đức có 5 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú, 1 Nghệ nhân được Nhà nước truy tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, đó là Nghệ nhân Nhân dân Bùi Thế Kiên - Câu lạc bộ Ca trù Ngãi Cầu, xã An Khánh.