Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Hoài Đức: Sự đồng lòng - chìa khoá giúp xã Minh Khai phòng chống dịch tốt, kinh tế phát triển ổn định

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, dù dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương gần như “đóng băng” việc phát triển kinh tế thì ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức, mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế” được vận dụng hài hòa…

Đồng tâm chống dịch
Là địa phương “nhất làng – nhất xã”, lại có nghề chế biến nông sản thực phẩm; vì vậy cơ cấu kinh tế của Minh Khai là công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm 74%, thương mại dịch vụ 23,7%, nông nghiệp chỉ chiếm 2,2%. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở xã Minh Khai là 52 triệu đồng/người/năm. Do kinh tế phát triển, đời sống no ấm nên người dân tích cực tham gia các hoạt động xã hội; đặc biệt trong cuộc chiến chống Covid -19, sự đồng lòng của quần chúng đã góp phần không nhỏ giúp Minh Khai trở thành cứ địa vững chắc…
 Các chốt trực ở xã Minh Khai luôn có lực lượng túc trực 24/24, đảm bảo an toàn cho đời sống và sản xuất của người dân.
Theo báo cáo, từ lúc triển khai thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP, xã Minh Khai đã lập 11 chốt kiểm soát dịch với 135 người (gồm công an, quân sự, y tế, cựu chiến binh…) tham gia ứng trực 24/24, kiểm soát chặt người ra – vào xã. 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu và chợ cóc, chợ tạm, quán trà đã đóng cửa; chỉ 9 cơ sở kinh doanh hàng hóa thiết yếu được duy trì.
Công trình xây dựng và các dịch vụ như xe công nghệ, xe chở khách… nhất loạt tuân thủ quy định. Chính nhờ kiểm soát tốt con người, tuân thủ nghiêm chỉ đạo của Trung ương, TP nên đến nay, địa bàn Minh Khai không xuất hiện ca F0 ngoài cộng đồng; duy chỉ có 56 trường hợp liên quan đến F1 nhưng được cách ly tại nhà, đến nay sức khỏe của họ đều ổn định.
Bước đột phá
Ngày 7/8, UBND xã đã ban hành kế hoạch 150, theo đó 277 đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản được UBND xã phê duyệt phương án sản xuất. Công nhân làm trong các cơ sở sản xuất thực hiện nghiêm phương án 3 tại chỗ và các biện pháp phòng chống dịch. UBND xã Minh Khai đã thành lập “Tổ vận chuyển hàng nông sản”, gồm các cá nhân có phương tiện (ô tô tải), được UBND xã đăng ký với công an huyện, cấp phù hiệu để vận chuyển hàng hóa được sản xuất trên địa bàn, đi tiêu thụ.
 Kế hoạch 150 của UBND xã Minh Khai đã giúp cho sản xuất của doanh nghiệp và người dân luôn được duy trì trong thời gian giãn cách xã hội.
Thành lập “Tổ điều hành bốc dỡ” tại 2 điểm trung chuyển hàng hóa. Mỗi tổ 5 người (và cũng thực hiện nguyên tắc 3 tại chỗ) để bốc dỡ hàng hóa (đi và đến); không cho lái xe ra khỏi khu vực bốc dỡ hàng hóa và thực hiện nguyên tắc 5K về phòng chống dịch. Ngoài ra, UBND xã còn lập tổ kiểm tra, tổ cơ động xử lý vi phạm để giám sát việc làm của doanh nghiệp, người dân khi thực hiện kế hoạch 150… Chính nhờ đó, kể từ 7/8, sau 10 ngày thực hiện kế hoạch 150, đã có 460 tấn bún khô, 160 tấn miến dong, 135 tấn kẹo, bim bim được sản xuất và tiêu thụ, với doanh số trên 21 tỉ đồng.
 Hong phơi sản phẩm miến dong (trước khi cắt thành sợi), tại xã Minh Khai.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế&Đô thị, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Khai Đỗ Thi Nhiên cho biết: Tuy bị tác động rất nhiều của dịch Covid -19 nhưng 6 tháng đầu năm 2021, tổng giá trị sản xuất kinh doanh trên địa bàn ước đạt trên 605 tỷ đồng, bằng khoảng 41% kế hoạch và tăng 67 tỷ đồng so với cùng kỳ 2020.
 Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tập trung tại xã Minh Khai hôm 4/9
Trong lần đến kiểm tra hôm 4/9, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cũng đã đánh giá cao mô hình sản xuất ở xã Minh Khai trong điều kiện vừa chống dịch Covid -19, vừa bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế.