Kế hoạch của UBND huyện về tuyên truyền, phổ biến pháp luật và xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH nêu rõ: Phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và người dân cùng chung tay vào cuộc trong công tác PCCC&CNCH.
Cơ quan quản lý nhà nước các cấp, người đứng đầu phát huy được vai trò, trách nhiệm, tâm huyết, nhiệt tình từ UBND cấp xã, lực lượng Công an, dân phòng, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố và các đoàn thể xã hội khác.
Đồng thời, xây dựng các mô hình an toàn về PCCC&CNCH đảm bảo phù hợp với từng đối tượng, địa bàn, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm; phát huy thực sự có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ “Lực lượng ở trong dân - Phương tiện ở trong dân - Hậu cần ở trong dân - Chỉ huy ở trong dân” khi có cháy, nổ xảy ra.
Cùng với đó, huy động và sử dụng các nguồn lực xã hội hóa từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân để đầu tư, trang bị phương tiện trong việc xây dựng các mô hình trên địa bàn. Huyện đặt ra mục tiêu, mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người tham gia lớp tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC&CNCH.
Nắm chắc cách thức sử dụng phương tiện chữa cháy, phương pháp, kỹ năng xử lý sự cố cháy ban đầu, kỹ năng thoát nạn khi có cháy xảy ra. Đồng thời, tuyên truyền, vận động 100% hộ gia đình trang bị phương tiện chữa cháy; phấn đấu mỗi hộ gia đình được trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy và dụng cụ, phương tiện CNCH cần thiết.
Theo đó, nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng và huấn luyện nghiệp vụ về PCCC&CNCH tập trung vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về PCCC&CNCH; chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ về công tác PCCC&CNCH trong tình hình mới.
Vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCCC&CNCH. Trách nhiệm của chủ hộ gia đình, cá nhân trong công tác PCCC&CNCH. Các điều kiện an toàn PCCC&CNCH; nguy cơ, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy, nổ.
Các biện pháp phòng cháy; kỹ năng thoát nạn, xử lý, sử dụng phương tiện PCCC&CNCH khi có cháy, nổ xảy ra. Đối tượng tuyên truyền gồm chủ hộ gia đình (nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, căn hộ nhà chung cư, nhà tập thể...), các cá nhân, thành viên của hộ gia đình.
Cũng theo kế hoạch, huyện duy trì, xây dựng và nhân rộng các mô hình toàn dân tham gia PCCC&CNCH cho cộng đồng. Trong đó, mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” phải được triển khai thực hiện và đưa vào hoạt động đồng bộ trước ngày 20/6/2023.
Ngoài ra, căn cứ vào đặc điểm từng địa bàn, khu dân cư, loại hình cơ sở, trước ngày 10/12/2023, các xã, thị trấn lựa chọn, triển khai mô hình “Khu chung cư, tập thể an toàn PCCC”; “Cụm liên kết làng nghề an toàn”; “Cụm liên kết an toàn trong khu/cụm công nghiệp”, tránh để sót lọt đối tượng thuộc diện xây dựng mô hình an toàn về PCCC&CNCH.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, xác định công tác PCCC&CNCH và việc triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật, xây dựng mô hình phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH cho cộng đồng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng.
Nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi người dân; trang bị kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH để người dân chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra tại gia đình cũng như ngoài cộng đồng. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền về PCCC; vận động Nhân dân tham gia các mô hình an toàn về PCCC.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận yêu cầu Công an huyện và UBND các xã, thị trấn cần nhận thức, nêu cao vai trò của người đứng đầu trong công tác PCCC&CNCH; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị; đảm bảo thống nhất trong tổ chức triển khai thực hiện nhằm đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu kế hoạch đề ra