Nâng cao trách nhiệm
Thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 TP, UBND huyện Hoài Đức xây dựng kế hoạch tăng cường kiểm tra, đôn đốc, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông (ATGT), trật tự đô thị (TTĐT), trật tự công cộng (TTCC) lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện. Đồng thời, UBND huyện thành lập đoàn kiểm tra liên ngành do Công an huyện chủ trì phối hợp với Đội Thanh tra GTVT và Phòng Quản lý đô thị, Văn hóa thông tin... phân công lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm. Bên cạnh đó, huyện cũng đôn đốc việc triển khai thực hiện của Ban chỉ đạo 197 các xã, thị trấn và lực lượng chức năng trong công tác đảm bảo ATGT.
Theo Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân, những năm về trước, các xã, thị trấn và cơ quan chuyên môn năm nào cũng ra quân kiểm tra, giải tỏa vỉa hè, lòng đường, nhưng sau đó vẫn tái diễn vi phạm. Thực trạng này không chỉ làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, gia tăng số vụ tai nạn giao thông mà còn tạo cơ hội cho một số người dân coi thường pháp luật. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do một số địa phương chưa coi đây là việc làm thường xuyên, trách nhiệm trong công tác quản lý chưa cao, xử lý vi phạm còn nể nang, ngại va chạm.
“Những đợt cao điểm ra quân trong thời gian gần đây thể hiện rõ sự quyết tâm của các cấp, ngành trong huyện, nhờ đó đã xử lý được những trường hợp tái vi phạm tập trung tại các quốc lộ, tỉnh lộ và đường liên xã trên địa bàn. Các trường hợp vi phạm mới sẽ tiếp tục được tuyên truyền, vận động, xử lý dứt điểm trong thời gian tới với mục đích lập lại trật tự đô thị, giao thông, duy trì giữ cho đường thông, hè thoáng. Địa phương nào thực hiện không nghiêm, để tái vi phạm sẽ kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo địa phương và trừ điểm thi đua tháng” - Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Hoài Đức Phùng Bá Nhân nhấn mạnh.
Lập lại trật tự
Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng chức năng huyện Hoài Đức đã phát loa tuyên truyền, vận động hàng nghìn hộ kinh doanh trên địa bàn 22 xã, thị trấn ký cam kết không vi phạm, trả lại nguyên trạng mặt bằng cho vỉa hè, lòng đường. Cũng trong thời gian này, toàn huyện đã ra quân kiểm tra, xử lý đối với các hộ không tự giác tháo dỡ công trình vi phạm. Công an huyện phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và 22 xã, thị trấn, huy động được gần 500 lượt người, 100 lượt phương tiện ra quân xử lý các vi phạm về TTĐT, TTCC.
Chính quyền địa phương 22 xã, thị trấn còn sắp xếp chỗ ngồi cho hàng trăm tiểu thương vào trong chợ các xã, như: An Khánh, La Phù, Đông La, Kim Chung, Đức Thượng… ổn định kinh doanh. Đồng thời, tháo dỡ hơn 180 lều bạt, giải tỏa 5 chợ cóc, 300 biển quảng cáo cùng hàng trăm mái che, mái vẩy, phát quang cây xanh che khuất tầm nhìn… Theo quan sát của phóng viên, tại một số tuyến đường, vỉa hè, hành lang Quốc lộ 32 đi qua thị trấn Trạm Trôi, xã Đức Thượng, Tỉnh lộ 422, 423, đường đê sông Đáy đi qua các xã An Khánh, La Phù, Đức Thượng, Cát Quế, Dương Liễu… đến nay đã thông thoáng hơn trước.
Cùng với đó, các đội nghiệp vụ của Công an huyện còn tuần tra, kiểm soát xử lý 459 trường hợp vi phạm về trật tự đô thị, ATGT, TTCC, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền gần 700 triệu đồng, tạm giữ 258 bộ giấy tờ xe, 102 xe mô tô, 51 phương tiện khác và tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 29 trường hợp, trong đó có 20 xe ô tô. Phía Đội Thanh tra GTVT huyện cũng đã kiểm tra, xử lý 65 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 200 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 2 trường hợp.
Liên quan đến nội dung này, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Anh cho biết, Ban Chỉ đạo 197 của huyện đã giao cho Chủ tịch UBND 22 xã, thị trấn chịu trách nhiệm duy trì, chống tái lấn chiếm. Địa phương nào để phát sinh vi phạm sẽ kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND và Trưởng Công an xã đó. "Cán bộ, đảng viên để người thân vi phạm cũng bị xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của mình. UBND huyện lấy việc thực hiện hiệu quả kế hoạch của Ban Chỉ đạo 197 TP và huyện làm tiêu chí để đánh giá kết quả phong trào thi đua của các xã, thị trấn năm 2022” - ông Nguyễn Anh nhấn mạnh.