Huyện Mê Linh đổi thay mạnh mẽ sau 15 năm về Hà Nội

D.Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự thay đổi vượt bậc của huyện Mê Linh trong 15 năm qua đã khẳng định chủ trương đúng đắn, tầm nhìn chiến lược của chủ trương mở rộng địa giới hành chính Thủ đô.

Huyện Mê Linh có 16 xã và 2 thị trấn, dân số hơn 24 vạn người, diện tích hơn 14.000ha. Sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội, huyện Mê Linh được quan tâm đầu tư nguồn lực lớn để xây dựng hệ thống hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, giao thông đồng bộ, khang trang, góp phần tạo điều kiện cho sự phát triển về kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đời sống người dân nâng cao, diện mạo đô thị từng bước hình thành.

Huyện Mê Linh đổi thay mạnh mẽ sau 15 năm về Hà Nội
Huyện Mê Linh đổi thay mạnh mẽ sau 15 năm về Hà Nội

Kinh tế của Huyện duy trì phát triển với tốc độ cao, bình quân 9,8%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển nhanh dịch vụ. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Huyện đạt bình quân 700 tỷ đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 60 triệu đồng/người/năm, (tăng gấp 5,4 lần so với năm 2008); tỷ lệ hộ nghèo toàn Huyện hiện còn 0,03% (giảm 10,44% so với cách đây 15 năm).

Hiện nay, toàn Huyện có trên 1.800 doanh nghiệp, 81 Hợp tác xã, trên 10 nghìn hộ sản xuất kinh doanh cá thể, góp phần không nhỏ vào việc tăng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, xây dựng dịch chuyển luôn ở mức 85% trở lên. Tốc độ phát triển công nghiệp bình quân đạt 110,8%/năm. Quy mô ngành công nghiệp tăng gấp 3,98 lần. Tốc độ tăng trưởng ngành thương mại, dịch vụ đạt bình quân 11,7%.

Trong nông nghiệp, mặc dù diện tích gieo trồng giảm do chuyển sang phát triển công nghiệp, đô thị; song giá trị sản xuất ngày càng tăng. Trên địa bàn Huyện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất rau, hoa, chăn nuôi tập trung quy mô lớn; nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo ra những sản phẩm nông sản có chất lượng, tăng sức cạnh tranh và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Đến hết năm 2022, trên địa bàn Huyện đã có 75 sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao và 3 sao.

Đáng chú ý, được sự quan tâm của Thành phố cùng với sự quyết tâm nỗ lực của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của Nhân dân, sau 15 năm sáp nhập về Hà Nội, huyện Mê Linh đã có 16/16 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 02 xã Liên Mạc và Tự Lập được công nhận nông thôn mới nâng cao năm 2022; huyện Mê Linh được Thủ tướng Chính phủ công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng có nhiều khởi sắc. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai hiệu quả, công tác xây dựng gia đình văn hóa, thôn, Tổ dân phố văn hóa được đông đảo Nhân dân tham gia, chất lượng được nâng lên. Đến năm 2022, toàn Huyện có trên 90% gia đình được công nhận gia đình văn hóa, 86,4% thôn được công nhận thôn văn hóa, 94,4% Tổ dân phố được công nhận Tổ dân phố văn hóa.
Huyện quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như Nhà văn hóa, Trung tâm thể dục thể thao, đến nay, 97/99 thôn, Tổ dân phố có Nhà văn hóa hoặc nơi sinh hoạt cộng đồng. Công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm, đạt kết quả quan trọng. Trên địa bàn huyện có 161 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng; trong đó, 01 di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng; 25 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 54 di tích xếp hạng cấp tỉnh, Thành phố.

An sinh xã hội được đảm bảo; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với trên 3.000 đối tượng người có công với cách mạng và khoảng gần 10.000 đối tượng bảo trợ xã hội; thực hiện tu sửa 100% nghĩa trang, công trình ghi công, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; hỗ trợ xây mới, sửa chữa hơn 1.300 nhà ở cho người có công, gia đình chính sách; tặng sổ tiết kiệm cho 644 cho người có công với số tiền 781 triệu đồng.

Có thể thấy, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, huyện Mê Linh đã có bước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, diện mạo nông thôn đổi thay theo hướng đô thị văn minh, hiện đại...