Huyện Mê Linh có Khu công nghiệp Quang Minh I với diện tích 407ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 95%. Hiện, 180 DN đang hoạt động tại khu công nghiệp này, đóng góp ngân sách Nhà nước khoảng 400 tỷ đồng/năm. Đồng thời, tạo việc làm với mức lương khá cho khoảng 30.000 lao động. Chỉ tính riêng nửa đầu năm 2018, giá trị sản xuất công nghiệp toàn huyện đạt trên 8.320 tỷ đồng (chiếm trên 83,4% tổng giá trị các ngành kinh tế).
|
Đường dẫn vào Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh |
Ngày càng có nhiều DN nghìn tỷ đầu tư phát triển trên địa bàn huyện Mê Linh như Công ty CP Bia rượu nước giải khát Hà Nội, Công ty TNHH Katolec Việt Nam, Công ty CP Cửa sổ nhựa châu Âu, Công ty TNHH Cao su Inoue Việt Nam… Nhờ đó, tốc độ phát triển công nghiệp trên địa bàn đạt khá cao, bình quân 110,8%/năm. So với năm 2008, quy mô công nghiệp của huyện tăng 2,9 lần. Từ năm 2008 đến nay, toàn huyện đã thành lập mới hơn 1.300 DN, 6.432 hộ sản xuất, kinh doanh và 82 hợp tác xã. Các DN đã góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng bình quân 10,2%/năm của huyện Mê Linh suốt 10 năm qua.
Việc huyện Mê Linh thu hút được số lượng DN lớn vào đầu tư trong những năm qua đến từ việc cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông và hệ thống điện được nâng cấp ngày một đồng bộ. Cụ thể, từ năm 2008 đến nay, kết cấu hạ tầng khung được TP Hà Nội hỗ trợ và huyện chủ động đầu tư với nguồn kinh phí rất lớn. Một số dự án xây dựng trọng điểm có thể kể tới: Nâng cấp, cải tạo tuyến đường 35; tuyến đường từ khu trung tâm hành chính huyện đi thị trấn Chi Đông; tuyến đường trục trung tâm đô thị huyện Mê Linh; tuyến Quốc lộ 23B; đường hành lang đê tả sông Hồng… Tổng kinh phí TP Hà Nội và ngân sách huyện đã đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông trong khoảng 10 năm qua ước tính lên tới 1.111 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Đoàn Văn Trọng cho biết, bước tiến lớn trong phát triển công nghiệp của địa phương có được nhờ trợ lực rất lớn của TP ở khía cạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng được địa phương xác định rõ theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển nhanh về dịch vụ. Trên cơ sở đó, những năm qua, huyện tập trung phát triển các nhóm sản phẩm công nghiệp có lợi thế. Tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi thúc đẩy và hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, gắn với hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động.
Đối với định hướng trong thời gian tới, ông Đoàn Văn Trọng cho biết, địa phương sẽ tiếp tục phát triển công nghiệp có cơ cấu hợp lý và hiệu quả, trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp sạch. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, tạo hành lang pháp lý thu hút các nhà đầu tư…