Vùng dân cư nào sẽ bị ngập úng?
Mới đây, huyện Mê Linh đã tiến hành khảo sát, đánh giá nguy cơ úng ngập xảy ra trên địa bàn rộng 14.200ha (với hơn 8.500ha đất nông nghiệp). Theo đó, trong điều kiện mưa to kéo dài trên 3 ngày, lượng mưa lớn từ 400mm - 500mm, nhiều khu dân cư trên địa bàn có khả năng bị ngập sâu 0,5 - 1m.
Các địa phương bị ảnh hưởng gồm: Xóm Tơi (xã Văn Khê), thôn Tân Châu (xã Chu Phan), thôn Ấp 1 (xã Tiền Phong), thôn Bến Già (xã Kim Hoa), thôn Đồng Vỡ (xã Thanh Lâm), tổ dân phố 9 và 10 (thị trấn Quang Minh). Dự kiến có khoảng 1.576 hộ (với 7.092 nhân khẩu) sẽ bị ảnh hưởng.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Trọng Phan cho biết, trên địa bàn huyện có 4 hệ thống công trình tiêu, thoát nước chính. Cụ thể là hệ thống tiêu Tam Báo, hệ thống tiêu Thạch Phú, hệ thống tiêu Phù Trì và hệ thống tiêu Đầm Và. Đánh giá chung cho thấy các hệ thống tiêu cơ bản đảm bảo vận hành bình thường phục vụ công phòng, chống lụt bão năm 2022.
Mặc dù vậy, hệ thống rãnh, cống tiêu dân sinh, khu công nghiệp trên địa bàn huyện Mê Linh hiện chưa được đầu tư đảm bảo đáp ứng ứng tình diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan. Các kênh, mương tiêu nội đồng mới được giao cho UBND các xã, thị trấn quản lý, vận hành, chưa được duy tu, sửa chữa nên còn có nhiều bồi lắng, bèo rác gây ách tắc dòng chảy. Điều này sẽ khiến khả năng tiêu thoát nước khi có mưa lũ lớn kéo dài gặp khó khăn.
Chủ động ứng phó
Liên quan đến nhiệm vụ phòng chống, ứng phó với úng ngập, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội Trần Thanh Toàn cho biết, ngay từ tháng 5/2022, đơn vị đã thành lập 3 cụm chống úng để đảm bảo tiêu úng cho lưu vực tiêu của các trạm bơm: Tam Báo, Thường Lệ; khu vực Kênh Tây, Đầm Và, và vùng Thanh Điềm. Đảm bảo lực lượng quản lý, vận hành hệ thống máy bơm tại các trạm và cống qua đê sông Hồng thuộc địa phận xã Chu Phan.
“Thời gian qua, công ty cũng phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn trong quá trình điều hành công tác chống úng; tập trung giải tỏa ách tắc, vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn để công tác phòng chống lụt bão đạt hiệu quả cao…” - ông Trần Thanh Toàn thông tin thêm.
Trong công tác phòng chống úng ngập, việc bảo đảm nguồn cung cấp điện có vai trò lớn. Đại diện Công ty Điện lực huyện Mê Linh cho biết, đơn vị thường xuyên kiểm tra, thực hiện duy tu, bảo dưỡng các hệ thống điện, kịp thời sửa chữa, khắc phục sự cố đảm bảo cung cấp điện đầy đủ, an toàn phục vụ đời sống, sản xuất của Nhân dân trong mùa mưa, bão. Trong đó, ưu tiên sử dụng điện cho các trạm bơm tiêu.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương, hiện nay đã bước vào cao điểm phòng chống thiên tai. Chính vì vậy, địa phương đang chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chức năng, UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, mực nước trên các sông, triệt để tận dụng và phát huy hết khả năng tiêu tự chảy của công trình trước và trong khi có mưa úng. Chủ động điều hành tiêu nước đệm những vùng có địa hình thấp.
Chú trọng việc kiểm tra, bảo vệ, đóng mở cống tiêu hợp lý để chống nước ngoại lai và tuân thủ quy định đóng, mở cống dưới đê của TP Hà Nội. Đặc biệt khi có mưa bão xảy ra, cần nhanh chóng huy động mọi lực lượng, phương tiện để triển khai chống úng, thực hiện khoanh vùng khép kín khu tiêu, giữa vùng cao với vùng trũng, ưu tiên vùng ngập trong dân cư.
Liên quan đến tình huống mưa lớn gây úng ngập nhà dân, chia cắt khu dân cư, UBND huyện Mê Linh đã giao Phòng Kinh tế, Phòng LĐ,TB&XH hỗ trợ UBND các xã, thị trấn sơ tán Nhân dân ra khỏi những vùng bị ảnh hưởng của lũ, bão, úng ngập, những vùng nguy hiểm, xung yếu. Đồng thời, tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, hàng hóa thiết yếu để triển khai công tác cứu trợ, đảm bảo đời sống Nhân dân...