Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Mê Linh: Nông dân phấn khởi vì hoa được giá cao

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ đầu năm đến nay, nhu cầu của thị trường về hoa được duy trì khá ổn định. Bà con nông dân tại thủ phủ hoa lớn nhất Hà Nội thuộc huyện Mê Linh rất phấn khởi vì hoa cũng đang được giá cao, đặc biệt là dịp Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Doanh thu gấp 2 - 3 lần

Vụ sau Tết Quý Mão 2023, gia đình chị Nguyễn Thị Thoa ở thôn 3 (xã Mê Linh) trồng 8 sào hoa, chủ yếu là hoa hồng và hoa cúc. Theo chị Thoa, từ sau Tết, điều kiện thời tiết khá thuận lợi. Hoa sinh trưởng, phát triển tốt và được người tiêu dùng đón nhận tích cực.

“Từ đầu năm đến nay, giá các loại hoa nhìn chung khá cao. Trong dịp lễ 8/3, giá hoa hồng gai bán được từ 6.000 - 7.000 đồng/bông, cao gấp hơn 2 lần so với ngày thường…” - chị Thoa cho hay.

Nông dân huyện Mê Linh tất bật chăm sóc hoa. Ảnh: Trọng Tùng.
Nông dân huyện Mê Linh tất bật chăm sóc hoa. Ảnh: Trọng Tùng.

So với hoa hồng gai, hoa hồng nhung hay hoa hướng dương còn cho doanh thu cao hơn trong dịp lễ 8/3, khi mỗi bông có thời điểm lên tới 10.000 đồng/bông. Bà con nông dân hết sức phần khởi vì doanh thu từ hoa cao gấp 3 lần.

Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Mạnh Hùng, vụ sau Tết, toàn huyện có gần 2.000ha trồng hoa các loại. Trong đó, diện tích hoa hồng chiếm khoảng 50%, còn lại là những vùng trồng hoa cúc, hoa hướng dương, hoa đồng tiền…

Đáng chú ý, không chỉ có hoa cắt cành, các loại hoa chậu, hoa thế vẫn tiêu thụ tốt trong những tháng sau Tết. Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, loại hoa này thường bán chạy nhất thời điểm tháng 11, 12 hàng năm. Tuy nhiên hiện nay, hoa chậu, hoa thế vẫn bán khá chạy. Đây là tín hiệu rất vui cho bà con nông dân nơi thủ phủ hoa lớn nhất của Hà Nội.

Bước đầu xuất khẩu tiểu ngạch

Theo Phòng Kinh tế huyện Mê Linh, những năm qua, nhiều giống hoa mới, được nhập khẩu từ các quốc gia tiên tiến đã được bà con du nhập, gieo trồng. Công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cũng được nông dân áp dụng rộng rãi, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng hoa cung ứng cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, TP lân cận.

Một số chủ hộ cũng mạnh dạn đầu tư kho lạnh để bảo quản các loại hoa. Anh Mai Ngọc Toan, một tiểu thương xã Mê Linh, cho biết đã đầu tư gần 100 triệu cho kho lạnh. Điều này giúp gia đình anh có thể bảo quản được các loại hoa trong thời gian lâu hơn; từ đó chủ động bán ra theo nhu cầu thị trường.

Sản phẩm hoa của bà con nông dân huyện Mê Linh đã bước đầu tiếp cận được thị trường Trung Quốc.
Sản phẩm hoa của bà con nông dân huyện Mê Linh đã bước đầu tiếp cận được thị trường Trung Quốc.

Thực tế, việc đầu tư kho lạnh để bảo quản hoa đã không còn hiếm gặp tại huyện Mê Linh. Dù vậy, theo chia sẻ của một số nông hộ, chi phí đầu tư kho lạnh vẫn còn khá cao, trong khi việc vay vốn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Được hỗ trợ vốn vay ưu đãi để đầu tư là một trong những mong mỏi của nhiều người dân nơi đây.

Liên quan đến việc tiêu thụ, thời gian qua, tiểu thương thu mua hoa bán cho Trung Quốc khá nhiều. Việc tiêu thụ hoa thông qua thương lái Trung Quốc giúp mang lại thu nhập cao hơn, tuy nhiên, giá thu mua cũng khá bấp bênh. Việc buôn bán hoa của bà con cho tiểu thương xuất đi Trung Quốc cũng chủ yếu theo đường tiểu ngạch, thiếu sự quản lý của chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Lê Văn Khương cho biết, vùng trồng hoa của huyện hiện tập trung tại một số xã như: Đại Thịnh, Mê Linh, Tiền Phong, Văn Khê… Trong tiến trình đô thị hoá hiện nay, những diện tích đất trồng hoa trên địa bàn huyện đang ngày một bị thu hẹp và trở nên nhỏ lẻ, manh mún.

Trước bối cảnh đó, huyện Mê Linh đã định hướng mở rộng vùng hoa ra các xã Tự Lập, Thanh Lâm, Hoàng Kim… Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo địa phương sẽ tiếp tục phát triển mạnh hoa chậu, hoa thế. Đây là nhóm ngành hàng hoa đang mang lại giá trị kinh tế rất tích cực và cũng phù hợp với xu hướng tiêu dùng cho cư dân đô thị.