Kinh tế phát triển vượt bậc
Mỹ Đức là một trong ba địa phương cuối cùng trong kế hoạch về đích Huyện nông thôn mới của Thủ đô trong năm nay, cùng với huyện Ba Vì và Ứng Hòa. Đến nay, huyện Mỹ Đức đã hoàn thành các tiêu chí và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Thành phố đã hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định nông thôn mới Trung ương xem xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là kết quả nỗ lực chung tay của cả chính quyền và người dân trên địa bàn huyện.
Nhìn lại chặng đường sau 15 năm sáp nhập về Thủ đô, lãnh đạo huyện Mỹ Đức cho biết, kinh tế - xã hội của huyện đã có sự chuyển mình mạnh mẽ, phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2008, giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản của huyện mới đạt 440 tỷ đồng, thì đến năm 2022 con số này đã lên tới hơn 2.800 tỷ đồng, cao gấp 6,4 lần.
Về hệ thống đường giao thông, hiện nay huyện Mỹ Đức có 115,7/115,7km đường trục xã, liên xã; có 369,9/369,9km đường trục thôn, liên thôn; 452,1km đường ngõ xóm được nhựa hóa, bê tông hóa, đạt 100%. 100% số xã, thị trấn trên địa bàn huyện có đường ô tô kết nối với đường huyện và các trung tâm hành chính, đảm bảo đi lại thuận tiện quanh năm.
Những năm qua, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, đồng thời giảm sức lao động của Nhân dân. Đến nay, một số khâu trong sản xuất nông nghiệp của huyện có tỷ lệ cơ giới hóa đạt cao như làm đất 100%; điều tiết nước, thu hoạch lúa bằng máy 100%. Nhiều mô hình ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây trồng cạn cũng đã được triển khai, nhân rộng, cho hiệu quả cao.
Đặc biệt, trên địa bàn huyện hiện có 3 mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị sản xuất như mô hình trồng nấm kim châm tại xã Đốc Tín; cà gai leo tại xã Phù Lưu Tế; rau, củ, quả tại xã Lê Thanh. Ngoài ra, huyện có một số mô hình sản xuất trồng rau an toàn, trồng rau, hoa... trong nhà màng, nhà lưới cho hiệu quả vượt trội.
Đáng chú ý, dù dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến các ngành du lịch, dịch vụ, thương mại tuy nhiên cơ cấu kinh tế của huyện Mỹ Đức vẫn tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Đến hết năm 2022, trong cơ cấu kinh tế của huyện, tỷ trọng Thương mại - Dịch vụ - Du lịch chiếm 41,7%; Nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 24,1%; Công nghiệp, xây dựng cơ bản chiếm 34,2%.
Với mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, huyện Mỹ Đức đã đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng nông nghiệp là nền tảng, du lịch - dịch vụ là mũi nhọn. Theo đó, trên địa bàn huyện có 3 khách sạn, 125 cơ sở lưu trú du lịch; khoảng 1.250 phòng. Các cơ sở lưu trú du lịch từng bước nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu ăn nghỉ của du khách. Dự kiến năm 2023 huyện Mỹ Đức đón và phục vụ từ 1,2 - 1,3 triệu lượt khách về tham quan. Tổng doanh thu từ du lịch đạt khoảng 900 tỷ đồng/năm.
Đáng chú ý, năm 2023, huyện Mỹ Đức không chỉ tổ chức thành công lễ khai hội chùa Hương mà còn có nhiều đổi mới như thực hiện việc bán vé sang mô hình kiểm soát vé điện tử, vận chuyển khách bằng xe điện. Theo thống kê, mùa lễ hội chùa Hương 2023 đã đón hơn 1 triệu lượt khách tham quan, trẩy hội.
Nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch, huyện cũng đã thành lập Hợp tác xã dịch vụ du lịch Chùa Hương. Đồng thời, huyện cũng tham gia xây dựng Đề án đổi mới tổng thể công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn (chùa Hương)...
Đời sống người dân được cải thiện rõ rệt
Kinh tế phát triển cũng tạo điều kiện cho huyện Mỹ Đức làm tốt công tác văn hóa, y tế, giáo dục và an sinh xã hội. Theo báo cáo của UBND huyện Mỹ Đức, bình quân thu nhập đầu người năm 2008 của huyện chỉ đạt 6,6 triệu đồng/người/năm nhưng đến năm 2022 đã đạt 58 triệu đồng/người/năm tăng 879%, dự báo năm 2023 đạt 62,3 triệu đồng/người/năm.
Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 0,33%. Tỷ lệ dân cư nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ dân cư được dùng nước sạch tập trung 44,5%. Công tác y tế, khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân được thường xuyên quan tâm, chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng lên. Mạng lưới y tế từ huyện đến cơ sở được củng cố, 100% các trạm y tế xã đã có bác sĩ. Huyện đã triển khai có hiệu quả mô hình chăm sóc sức khỏe Nhân dân theo nguyên lý hộ gia đình.
Bên cạnh đó, chất lượng giáo dục toàn diện của huyện ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 58/80 trường đạt chuẩn quốc gia, bằng 72,5%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 83,09%. Huyện có 125/129 thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá (4 thôn của xã Đồng Tâm mới tách thôn từ năm 2022 đang đề xuất xây dựng nhà văn hoá) đạt 96,89%; số làng đạt danh hiệu “Làng văn hóa” là 119/129 làng, đạt 92,28%. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao.
Đổi mới tư duy, bứt phá trong phát triển
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, lãnh đạo huyện Mỹ Đức cũng thẳng thắn thừa nhận còn những tồn tại như tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và yêu cầu phát triển của huyện. Các hoạt động xúc tiến đầu tư triển khai còn chậm. Sản phẩm hàng hóa phục vụ phát triển du lịch còn ít.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm. Việc triển khai đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo còn hạn chế nhất định...
Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Đặng Văn Triều cho biết, từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng dịch vụ, thương mại; đồng thời, xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung công nghệ cao, quy mô lớn. Phát triển nông thôn mới gắn với định hướng đô thị hóa theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, đồng bộ. Trong đó, ưu tiên đầu tư các trường học, công trình bảo vệ môi trường, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy cung cấp nước sạch sinh hoạt...
Cùng với đó, triển khai đồng bộ và đẩy nhanh tiến độ Quy hoạch tổng thể, bảo tồn và phát huy giá trị danh thắng quần thể Hương Sơn, Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mỹ Đức; các đồ án quy hoạch chi tiết khu trung tâm các xã, thị trấn; Quy chế quản lý quy hoạch các xã. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, đảm bảo thực hiện đúng với Đồ án quy hoạch đã được phê duyệt.
Ngoài ra, huyện tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, tăng cường công tác quản lý hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính.
Phát biểu tại cuộc làm việc với huyện Mỹ Đức về kết quả phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 cuối tháng 6 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đề nghị huyện Mỹ Đức phải rà soát, lựa chọn, quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp. Đồng thời phối hợp Sở GTVT linh hoạt trong điều chỉnh tần suất, tuyến xe buýt, xây dựng tuyến đường, bãi đỗ xe phục vụ phát triển du lịch chùa Hương...
Mặt khác, huyện cũng cần phải tập trung phát triển hoạt động sản xuất thương mại, tạo thành chuỗi du lịch giữa các vùng thuộc một số xã, giúp tăng nguồn thu thuế cho Nhà nước, nâng cao đời sống người dân.
Mặt khác, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh, thời gian tới, huyện Mỹ Đức cần tận dụng cơ hội vàng để triển khai tổng thể quy hoạch vùng nhằm tạo ra động lực lớn, tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đi đôi với các việc làm nêu trên, huyện phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giao thông, đặc biệt là dự án giao thông trọng điểm để khớp nối các tuyến đường giúp đi lại thuận tiện, giao thương hàng hóa, kết nối du lịch.