Trong khuôn khổ của chương trình dự án, sinh viên được tạo điều kiện về thực tập tại những làng nghề nổi tiếng, như khảm trai Chuyên Mỹ, mây tre đan Phú Túc, tò he Xuân La và nhiều làng nghề khác. Qua đó, sinh viên được học hỏi kỹ thuật truyền thống và đóng góp thiết kế, đáp ứng nhu cầu đời sống hiện đại.
Sinh viên Trần Hà Vy, Khoa Mỹ thuật truyền thống, Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp chia sẻ, trong thời gian thực tập tại làng nghề sơn mài Bối Khê, xã Chuyên Mỹ, bản thân đã học được rất nhiều kinh nghiệm để sáng tạo tác phẩm từ các nghệ nhân.
"Qua lăng kính trẻ trung, chúng em mong muốn tăng tính ứng dụng, cách điệu hoa văn, sản phẩm trở nên hữu dụng trong nhiều khía cạnh đời sống. Tại triển lãm, em mang đến tác phẩm tranh sơn mài “Góc nhà đầu tiên”, đánh dấu sự kết hợp độc đáo giữa truyền thống và hiện đại"- sinh viên Trần Hà Vy cho biết.
Không gian trưng bày được thiết kế giàu chất nghệ thuật, mang đậm yếu tố văn hóa cổ truyền, nhanh chóng trở thành điểm thu hút đông đảo người dân Thủ đô, nhất là giới trẻ, sinh viên của các trường đại học đã tham dự.
Nguyễn Hữu Bình, một người đam mê khám phá sản phẩm làng nghề chia sẻ: “Tôi thực sự ấn tượng với triển lãm. Không gian bài trí nghệ thuật kết hợp sản phẩm độc đáo về kiểu dáng và nguyên liệu chắc chắn sẽ chinh phục thị trường quốc tế. Sự kết hợp giữa tinh hoa cổ truyền và góc nhìn mới mẻ của người trẻ, tạo sản phẩm độc lạ, mở ra cơ hội phát triển mới cho làng nghề".
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh đánh giá cao sự phối hợp giữa địa phương và các đơn vị đào tạo. Phú Xuyên tự hào với bề dày truyền thống làng nghề, nhiều làng nghề tồn tại hàng trăm năm, vượt qua thăng trầm lịch sử, tuy nhiên, sản phẩm thường có tình trạng tạo hình đơn điệu, lãng phí nguyên liệu...
"Sự hợp tác với các trường đại học mỹ thuật chính là cơ hội để làng nghề tiếp cận với kỹ thuật mới và tư duy sáng tạo. Thông qua mối quan hệ này, chúng tôi kỳ vọng quy trình sản xuất tại các làng nghề sẽ được cải tiến, không chỉ tạo mẫu mã độc đáo, sáng tạo, mà còn tối ưu hóa nguyên liệu, nhân công, nâng cao giá trị sản phẩm từ khâu tổ chức sản xuất đến hoàn thiện..." - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên cho biết.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Lê Văn Bính, triển lãm không chỉ là sự kiện văn hóa, mà còn là cầu nối quan trọng giúp đưa các các sản phẩm của làng nghề truyền thống trên địa bàn bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên của sáng tạo và hội nhập.
Những sản phẩm trưng bày tại đây đã chứng minh rằng, khi tinh hoa cổ truyền được kết hợp với tư duy sáng tạo trẻ, các làng nghề có thể tạo những giá trị mới, đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế. Triển lãm là cơ hội để các nghệ nhân, thợ lành nghề, doanh nghiệp địa phương học hỏi, tiếp cận xu hướng thiết kế hiện đại.