Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022)

Huyện Phúc Thọ: Đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vượt qua nhiều khó khăn, trở ngại, huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) đã và đang từng bước vươn lên phát triển trở thành một trong những điểm sáng của Thủ đô trong giáo dục và đào tạo (GD&ĐT).

Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ

Những năm trước thời kỳ đổi mới của đất nước, hệ thống trường lớp trên địa bàn huyện Phúc Thọ còn rất nhiều khó khăn. Cơ sở vật chất tạm bợ, nhiều nơi không có lớp học, phải mượn các đình làng, nhà kho của hợp tác xã... để tổ chức dạy học.

Thời điểm năm 1986, toàn huyện mới chỉ có 22 trường phổ thông cơ sở, 2 trường phổ thông trung học, 22 trường mầm non. Sau khi hợp nhất vào TP Hà Nội, mạng lưới giáo dục của huyện được mở rộng lên thành 24 trường mầm non, 24 trường tiểu học, 23 trường THCS và 3 trường THPT.

Trường Tiểu học xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) được đầu tư xây dựng khang trang.
Trường Tiểu học xã Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ) được đầu tư xây dựng khang trang.

Trong những năm gần đây, được sự quan tâm chăm lo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện, nhiều trường học được xây mới kiên cố, khang trang, rộng đẹp. Trường lớp được đầu tư trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.

Năm học 2022 - 2023, toàn huyện có 71 trường mầm non, tiểu học, THCS công lập và 1 trường mầm non tư thục; 1 Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; 21 trung tâm học tập cộng đồng; 3 trường THPT công lập, 1 trường THPT dân lập được xây dựng kiên cố, hiện đại.

Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được huyện Phúc Thọ quan tâm. Nếu như năm 2005, toàn huyện mới có 10 trường chuẩn quốc gia thì hiện nay, trên địa bàn huyện đã có 50/71 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 71,4%.

Công tác phổ cập giáo dục được chú trọng, duy trì vững chắc và đạt được những thành quả mới. Năm 1982, huyện Phúc Thọ phổ cập văn hóa cấp II cho cán bộ chủ chốt. Năm 1995 phổ cập tiểu học và hoàn thành phổ cập THCS năm 2005.

Đến nay, 21/21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục Tiểu học và phổ cập giáo dục THCS đạt mức độ 3. Công tác xóa mù chữ của huyện cũng đã đạt chuẩn mức độ 2.

Học sinh huyện Phúc Thọ được tiếp cận sớm với công nghệ thông tin.
Học sinh huyện Phúc Thọ được tiếp cận sớm với công nghệ thông tin.

Ứng dụng CNTT, đổi mới phương thức giảng dạy

Theo Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Cường, những năm qua, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được chú trọng, chất lượng đội ngũ được nâng lên. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ở các cấp học đã đạt chuẩn đào tạo; trong đó, cấp mầm non đạt 78,6%, tiểu học đạt 92,6% và THCS đạt trên 80%.

Cùng với sự phát triển của khoa học, công nghệ, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong giảng dạy và học tập đã được ngành GD&ĐT huyện Phúc Thọ nhân rộng tại hầu hết cơ sở giáo dục trong thời gian qua. 100% đơn vị của ngành được đầu tư, lắp đặt đường truyền Internet tốc độ cao. 

 

Phong trào thi đua viết sáng kiến kinh nghiệm đã được ngành giáo dục huyện Phúc Thọ phát động sâu rộng và phát huy hiệu quả tích cực. Mỗi năm có hơn 500 sáng kiến kinh nghiệm của cán bộ, giáo viên được Hội đồng thi đua cấp huyện xếp loại và được áp dụng thực tế tại mỗi đơn vị trường học.

Ngành giáo dục huyện Phúc Thọ thường xuyên mở các lớp tập huấn chuyên đề cho giáo viên về khai thác thông tin trên mạng, thiết lập giáo án điện tử... Chỉ đạo, động viên, khuyến khích giáo viên ở tất cả các đơn vị trường tăng cường ứng dụng CNTT trong bài giảng. Từ năm học 2015 - 2016, 100% cán bộ, giáo viên ứng dụng tốt CNTT vào việc quản lý và giảng dạy.

Ngành GD&ĐT huyện cũng khuyến khích giáo viên khai thác tốt các công cụ trình chiếu, soạn và trình bày bài giảng điện tử E-Learning; mỗi giáo viên có ít nhất 2 tiết dạy sử dụng bài giảng điện tử trong một năm học; mỗi trường tiểu học và THCS tạo mới ít nhất 5 bài giảng điện tử áp dụng cho từng môn học/năm học.

Đặc biệt trong 2 năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, để ứng phó với dịch bệnh Covid-19, các trường học trên địa bàn huyện đã chủ động, linh hoạt áp dụng các hình thức dạy học như, dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến hay dạy trực tiếp kết hợp với trực tuyến...; khuyến khích giáo viên sử dụng các ứng dụng mạng xã hội zalo, zoom để hướng dẫn, kiểm tra, tổ chức cho học sinh học tập tại nhà khi bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ cũng đã tổ chức thành công 5 lần ngày hội CNTT cấp huyện, và tham gia đầy đủ ngày hội CNTT do TP Hà Nội tổ chức (trong đó, đạt giải Nhì toàn đoàn cấp TP lần thứ V). Tham gia thi thiết kế bài giảng điện tử, phần mềm dạy học dành cho giáo viên cấp TP đạt 26 giải…

Một giờ lên lớp của học sinh trường THCS Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ).
Một giờ lên lớp của học sinh trường THCS Tam Hiệp (huyện Phúc Thọ).

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong GD&ĐT

Bước sang một giai đoạn mới của sự phát triển, công tác GD&ĐT huyện Phúc Thọ cần tiếp tục có hướng đi, những bước đột phá mới. Bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ nhấn mạnh, ngành GD&ĐT huyện cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo. Triển khai hiệu quả các chương trình giáo dục, đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục.

 

“Mỗi nhà giáo, cán bộ cùng toàn ngành GD&ĐT huyện cần bám sát tinh thần chỉ đạo, nhận thức đầy đủ nhiệm vụ trước những yêu cầu mới của tình hình thực tế để tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, đưa sự nghiệp GD&ĐT của huyện ngày càng phát triển...” 

Bí thư Huyện uỷ Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn

Tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới trường, lớp gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu phát triển giáo dục của xã, thị trấn; huy động các nguồn vốn đầu tư bổ sung cơ sở vật chất cho các trường học; đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học cho các trường học theo hướng chuẩn hoá, đáp ứng tiêu chí chuẩn quốc gia.

Ngành GD&ĐT huyện cũng cần phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chủ động xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch tự đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích cán bộ, giáo viên tham gia tự học, nâng cao trình độ chuyên môn; sẵn sàng về tâm thế, vững vàng về chuyên môn đáp ứng tốt yêu cầu đổi mới.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành cũng là nhiệm vụ được Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Kiều Trọng Sỹ lưu ý. Trong đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác dạy, học và quản lý giáo dục. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua, xây dựng môi trường giáo dục văn hóa, lành mạnh, thân thiện.

Quan tâm giáo dục nhân cách, đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật, kỹ năng cho học sinh. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Rà soát, đánh giá, có giải pháp thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các trường, giữa các địa phương trong huyện. Đồng thời, thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục...