Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Phúc Thọ: Đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong năm thứ hai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, kinh tế huyện Phúc Thọ tiếp tục gặt hái được thành công trên nhiều lĩnh vực. Năm 2023, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng sản xuất.

Bưởi Vân Hà là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện Phúc Thọ. Trọng Tùng
Bưởi Vân Hà là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện Phúc Thọ. Trọng Tùng

Tăng trưởng kinh tế trên cả ba lĩnh vực

Năm 2022, huyện Phúc Thọ thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Dù vậy, hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn huyện cơ bản vẫn ổn định. Tổng giá trị sản xuất của huyện năm 2022 đạt khoảng 15.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Đáng chú ý, cả 3 lĩnh vực kinh tế chính đều tăng trưởng dương. Cụ thể, thương mại - dịch vụ (9,4%); công nghiệp - xây dựng (12%); nông nghiệp (4,0%). Cơ cấu các ngành kinh tế của huyện Phúc Thọ tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 48,1%, tiếp đến là ngành dịch vụ - thương mại 32,9%; còn lại nông nghiệp chiếm 19% tổng giá trị sản xuất trong năm qua.

Khu vực DN có sự tăng trưởng cao là một điểm sáng. Thống kê trong năm 2022, toàn huyện có 167 DN được thành lập mới, với tổng vốn điều lệ gần 530 tỷ đồng, tăng 180% so với cùng kỳ năm 2021. Qua đó, nâng tổng số DN đang hoạt động trên địa bàn huyện Phúc Thọ lên 987 DN.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, trong cơ cấu kinh tế, địa phương xác định phát triển nông nghiệp vẫn là mũi nhọn. Chính vì vậy, trong năm qua, đã chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, đánh giá thực trạng; xây dựng các mô hình làm điểm để thực hiện chuyển đổi 390ha lúa chất lượng cao và gần 120ha cây ăn quả, rau, hoa - cây cảnh. Các mô hình chuyển đổi góp phần mang lại giá trị kinh tế vượt trội, giúp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.

Đổi mới mô hình tăng trưởng sản xuất

Trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2022, trong năm 2023, huyện Phúc Thọ tiếp tục xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu các ngành kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng sản xuất. Trong đó, tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; quyết liệt chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và những năm tiếp theo.

Đẩy mạnh sản xuất tập trung theo chuỗi liên kết giá trị, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị cũng như cạnh tranh cho nông sản. Chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản có giá trị kinh tế, cũng như con giống chất lượng cao và phù hợp với định hướng phát triển chung của nông nghiệp Hà Nội.

Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, sẽ đôn đốc các chủ đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng các cụm công nghiệp đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt. Xây dựng kế hoạch đưa các DN, hộ sản xuất - kinh doanh trong khu dân cư vào hoạt động tại các cụm công nghiệp, phấn đấu tỷ lệ lấp đầy đạt từ 30 - 50%.

UBND huyện Phúc Thọ cũng xác định quy hoạch là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Chính vì vậy, trong năm 2023, sẽ tập trung hoàn thiện các quy hoạch đã được các cấp phê duyệt, đặc biệt là Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phúc Thọ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó là tích cực triển khai kế hoạch đầu tư công gắn với hoàn thiện các nội dung quy hoạch và những dự án trọng tâm, trọng điểm.