Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hướng đến kỷ niệm 200 năm huyện Phúc Thọ (1822 – 2022)

Huyện Phúc Thọ đẩy mạnh tái cơ cấu, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, thực hiện chủ trương phát triển “tam nông” của TP Hà Nội, huyện Phúc Thọ đã tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị kinh tế, gia tăng thu nhập cho người nông dân trên địa bàn huyện.

8 chuỗi liên kết nông nghiệp giá trị cao

Là địa phương thuần nông, sản xuất nông nghiệp vẫn được huyện Phúc Thọ đặc biệt chú trọng phát triển. Theo thống kê, toàn huyện hiện có gần 7.000ha đất nông nghiệp, chiếm 58,5% tổng diện tích tự nhiên, phân chia thành 2 vùng bãi và vùng đồng. Thời gian qua, huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao.

Bưởi Vân Hà là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện Phúc Thọ.
Bưởi Vân Hà là một trong những sản phẩm tiêu biểu của huyện Phúc Thọ.

Với sự hỗ trợ của của các sở ngành TP Hà Nội, huyện đã xây dựng được nhiều mô hình liên kết chuỗi, phát triển thương hiệu cho một số nông sản chủ lực. Thực hiện phân vùng trong sản xuất nông nghiệp như: Vùng hoa, cây cảnh; vùng chuối Vân Nam; vùng bưởi Vân Hà… Nhờ đó, cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng tích cực, diện tích các vùng sản xuất lúa kém hiệu quả giảm dần, diện tích trồng rau, hoa và cây ăn quả có giá trị kinh tế cao ngày một tăng lên.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Lê Thị Kim Phương cho biết, đến nay toàn huyện đã phát triển được 480ha rau an toàn tập trung; 454ha hoa cây cảnh; 1.002ha cây ăn quả. Cùng với đó là 28ha diện tích ứng dụng công nghệ cao; 3.063ha lúa chất lượng cao (lúa thơm và lúa nếp); đồng thời, hình thành được 8 chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

“Nhiều nông sản đã được công nhận nhãn hiệu tập thể như: Bưởi Phúc Thọ, bưởi Tam Vân, chuối Vân Nam, cà dầm tương và tương nếp Tam Hiệp; thịt lợn rừng Nguyên Hưng, thịt lợn sinh học Phúc Thọ, rau an toàn Xuân Phú. Một số sản phẩm nông sản đã sử dụng tem QRcode để truy xuất nguồn gốc…” - bà Lê Thị Kim Phương thông tin thêm.

Hướng đến sản xuất nông nghiệp hàng hoá

Nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp, từng bước chuyển dịch nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa chất lượng cao trên cơ sở lợi thế so sánh, vừa qua UBND huyện Phúc Thọ đã ban hành Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn huyện Phúc Thọ”.

Mục tiêu xuyên suốt của Đề án hướng đến nhân rộng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chuyển đổi những diện tích đất lúa hiệu quả kinh tế thấp sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Chuối Vân Nam của huyện Phúc Thọ đã được UBND TP Hà Nội chứng nhận là sản phẩm OCOP.
Chuối Vân Nam của huyện Phúc Thọ đã được UBND TP Hà Nội chứng nhận là sản phẩm OCOP.

Cụ thể trong lĩnh vực trồng trọt, huyện Phúc Thọ phấn đấu đến năm 2025 có 1.235ha lúa chất lượng cao sản xuất tập trung, đảm bảo an toàn thực phẩm; xây dựng thành công thương hiệu sản phẩm “Gạo Phúc Thọ”. Phấn đấu nâng diện tích rau an toàn lên 345ha; tập trung xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm, ưu tiên phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

Huyện cũng sẽ phát triển vùng cây ăn quả với 785ha trên cơ sở phát triển các vùng sản xuất cây ăn quả hiện có và hình thành, mở rộng các vùng trồng cây ăn quả chuyên canh tập trung với diện tích từ 50ha/vùng. Phấn đấu mở rộng vùng hoa, cây cảnh chất lượng cao sản xuất tập trung với 176ha. Triển khai Đề án phát triển hoa cây cảnh gắn với du lịch sinh thái tại xã Tích Giang và Đề án phát triển hoa chất lượng cao tại xã Tam Thuấn.

Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, chứng nhận sản phẩm OCOP cho các sản phẩm chủ lực tập trung. Phấn đấu đến năm 2025 có từ 81 - 83 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Thành phố. Đặc biệt, sẽ phát triển mô hình du lịch sinh thái gắn với di tích lịch sử, làng nghề và các sản phẩm OCOP.

Trong chăn nuôi, huyện Phúc Thọ chủ trương phát triển theo hướng tập trung xa khu dân cư, hướng đến phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững. Mở rộng và phát triển mạnh các chuỗi liên kết hiện có; khuyến khích phát triển chăn nuôi sạch, theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học...

Nhằm gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết huyện sẽ tranh thủ sự hỗ trợ của TP Hà Nội, chủ động phối hợp với các sở ngành trong xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, liên kết phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích đầu tư sản xuất công nghệ cao và an toàn thực phẩm.

Huyện cũng sẽ hỗ trợ xây dựng thí điểm cửa hàng kinh doanh, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của địa phương, nhất là các sản phẩm OCOP, sản phẩm có nhãn hiệu, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Cùng với đó, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính; tăng ưu đãi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng chuyên canh tập trung quy mô lớn...

 

Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2022 - 2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn huyện Phúc Thọ” đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân ngành nông nghiệp 4,0%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu ngành nông nghiệp chiếm 17% trong tỷ trọng kinh tế toàn huyện; giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 550 triệu đồng/ha/năm... Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện Phúc Thọ giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến gần 463 tỷ đồng.