Huyện Phúc Thọ hướng dẫn nông dân phục hồi sản xuất sau bão số 1

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trạm Bảo vệ thực vật huyện Phúc Thọ vừa có hướng dẫn nông dân khắc phục ngập úng và phục hồi sản xuất sau bão số 1, đồng thời chủ động biện pháp ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2.

Theo đó, đối với diện tích lúa lúa bị ngập đã tiêu thoát nước, Trạm Bảo vệ thực vật Phúc Thọ khuyến cáo bà con nông dân tiến hành chăm sóc, phục hồi nhanh bằng cách phun phân bón lá mưa vàng 9999 (1 gói 40g/sào) nhằm giúp cho bộ rễ khoẻ, giúp cây phục hồi nhanh.
 Bão số 1 gây đổ một số diện tích hoa màu tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ.
Bão số 1 gây đổ một số diện tích hoa màu tại xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ.
Đối với diện tích rau bị dập nát có khả năng phục hồi cần tiến hành vệ sinh đồng ruộng, thu gom rác thải, tàn dư cây trồng để hạn chế sự lây lan và tích luỹ nguồn bệnh. Đồng thời tiến hành xới phá váng, bón bổ sung phân lân, phân đạm pha loãng để cây trồng nhanh hồi phục. Đối với diện tích rau bị dập nát không có khả năng hồi phục, cần tiến hành làm đất ngay, tranh thủ thời vụ để gieo trồng bổ sung các loại rau ngắn ngày cho phù hợp, chú ý đảm bảo cơ cấu hợp lý để tiêu thụ dễ dàng.

Bên cạnh đó, để chủ động ứng phó với mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 2, bà con cần làm vòm che phủ nilon cho các diện tích rau màu ngắn ngày, thấp cây, đặc biệt là các loại rau ăn lá. Đối với diện tích lúa, sau khi mưa kết thúc cần kiểm tra cụ thể từng ruộng để linh động tháo nước hay giữ nước cho lúa. Đối với cây ăn quả, cần chủ động dùng các cọc tre chống đỡ, đào rãnh thoát nước đảm bảo cây không bị ngập úng và đổ gãy.

Trước đó, mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 1 đã trong hai ngày 27 – 28/7 đã làm ngập, đổ nát một số diện tích lúa và hoa màu trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Trong đó một số diện tích ngập sâu cục bộ tại xã Hát Môn (40ha lúa), Ngọc Tảo (20ha lúa), Hiệp Thuận (1,5ha).

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần