Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Phúc Thọ: Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ nông dân thoát nghèo

Phương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để đbảm bảo an sinh xã hội, tập trung nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, trong những năm qua, huyên Phúc Thọ đã triển khai có hiệu quả các giải pháp tập trung huy động nguồn vốn tín dụng chính sách, lồng ghép với các nguồn lực khác và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để phát triển nông nghiệp, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Đồng thời, thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TƯ ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Huyện ủy-UBND huyện Phúc Thọ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện. Bằng nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế, phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được huyện tập trung triển khai hiệu quả.
Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và người dân huyện Phúc Thọ đã tập trung nguồn lực, triển khai, thực hiện nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình. Cùng với việc tập trung nguồn lực hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, tư vấn việc làm, hỗ trợ vốn vay..., huyện cũng tăng tuyên truyền để thay đổi nhận thức, tư duy về tự phát huy nội lực, vươn lên thoát nghèo, đảm bảo tính bền vững.
 Chị Vũ Thị Ngọc (xã Ngọc Tảo) được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Phúc Thọ tạo điều cho vay 30 triệu đồng phát triển kinh tế hộ gia đình.
Cùng với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phúc Thọ trong phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách cũng góp phần giúp nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có cuộc sống ổn định hơn, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp.
Chị Chị Vũ Thị Ngọc, xã Ngọc Tảo chia sẻ, bắt đầu từ năm 2012, gia đình chị được Hội Phụ nữ xã Ngọc Tảo và Ngân hàng CSXH huyện Phúc Thọ tạo điều kiện cho vay 30 triệu đồng để phát triển mô hình chăn nuôi bò và lợn nái sinh sản. Qua nhiều năm sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, đến nay gia đình chị đã trả được số vốn vay 30 triệu đồng, từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Với mạng lưới hoạt động rộng rãi, nguồn vốn được chuyển tải đến tận thôn, xóm của 21 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn huyện. Chị Nguyễn Thị Ánh Sáng (thị trấn Phúc Thọ) cho biết, chị biết đến nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH từ năm 2015. Sau khi đăng ký và được xét duyệt cho vay 30 triệu đồng chương trình vay giải quyết việc làm. Từ nguồn vốn này, gia đình chị đã đầu tư phát triển cửa hàng inox của gia đình. Đến nay, sau gần 6 năm phát triển kinh tế, hiện gia đình chị vẫn đang tiếp tục vay chương trình giải quyết việc làm với tổng số tiền 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, cộng với nguồn vốn tích lũy, gia đình chị đã mở rộng quy mô sản xuất mang tên: Xưởng sản xuất nhôm kính, inox Hưng Thịnh với tổng diện tích trên 400m2. Mỗi tháng tạo việc làm ổn định cho 7 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 08 triệu đến 15 triệu đồng/người/tháng.
Từ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, cùng với phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện Phúc Thọ giảm dần qua các năm. Năm 2010, số hộ nghèo là 4.801 hộ, tỷ lệ 11,84%; năm 2019 giảm còn 1.217 hộ, tỷ lệ 2,39%; năm 2020 còn 591 hộ nghèo, tỷ lệ 1,14%. Đến năm 2021, toàn huyện không còn hộ nghèo; hộ cận nghèo cũng giảm từ 2.002 hộ xuống còn 98 hộ, chiếm 0,19%. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, an sinh xã hội được đảm bảo, chất lượng cuộc sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao đã tạo tiền đề, động lực để huyện Phúc Thọ hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra.