Huyện Phúc Thọ: Tín dụng chính sách xã hội giúp gần 11.000 hộ dân thoát nghèo

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ, nguồn lực tín dụng qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phúc Thọ đã góp phần giúp cho trên 10.829 hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm cho 20.915 lao động.

Sáng 23/6, UBND huyện Phúc Thọ tổ chức hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định số 78/2022/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc NHCSXH huyện Phúc Thọ Đàm Quốc Thịnh cho biết, trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78 của Chính phủ, huyện Phúc Thọ đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH, cho vay được 74.830 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tổng dư nợ tính đến tháng 6/2022 đạt 505,8 tỷ đồng, với 10.705 hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn; dư nợ bình quân là 47,3 triệu đồng/khách hàng.

Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp gần 11.000 hộ dân huyện Phúc Thọ thoát nghèo.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội giúp gần 11.000 hộ dân huyện Phúc Thọ thoát nghèo.

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời. Qua đó, giúp cho 74.830 lượt hộ nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 10.829 hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 20.915 lao động.

Đồng vốn tín dụng chính sách cũng giúp 11.906 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh, sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Hỗ trợ xây dựng mới và cải tạo 39.266 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn. Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 651 ngôi nhà cho hộ nghèo… Đồng thời góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP trên địa bàn huyện Phúc Thọ còn gặp phải một số khó khăn nhất định. Đơn cử như vẫn còn một số hộ vay vốn chưa trả nợ đúng theo thoả thuận. Nguồn vốn giải quyết việc làm còn ít, chưa đáp ứng hết nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tại một số tổ tiết kiệm và vay vốn, còn tình trạng sử dụng vốn vay chưa hiệu quả…

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Nguyễn Doãn Hoàn nhấn mạnh, kết quả đạt được trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện 20 năm qua đã khẳng định sự phù hợp giữa chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Chính phủ với thực tiễn tình hình kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của đông đảo tầng lớp Nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách.

Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng có vai trò quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống cho người dân. Cùng với đó, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của huyện Phúc Thọ.

Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ đề nghị NHCSXH huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương chính sách tín dụng ưu đãi một cách công khai, kịp thời để mọi tầng lớp Nhân dân hiểu và các đối tượng chính sách được vay vốn. Làm tốt công tác tham mưu, giúp việc cho UBND huyện, phối hợp chặt chẽ với các xã, thị trấn tổ chức cho vay đúng đối tượng. 

 

“Kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Nghị định số 78/2002/ND-CP đã khẳng định tính ưu việt riêng có của tín dụng chính sách xã hội dành cho các hộ nghèo và đối tượng thụ hưởng khác. Bước vào giai đoạn mới, hoạt động chính sách xã hội cần được quan tâm hơn nữa để triển khai phù hợp với điều kiện mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng chính sách...

Để thực hiện được điều này, đề nghị NHCSXH huyện Phúc Thọ cần tiếp tục quan tâm, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch và hoạt động uỷ thác cho vay của các tổ chức chính trị - xã hội. Đồng thời làm tốt công tác kiểm tra giám sát, nhất là tại cấp cơ sở, góp phần ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực phát sinh trong quá trình triển khai”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thành viên Ban đại diện NHCSXH TP Hà Nội.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần