Huyện Phúc Thọ: xem xét trách nhiệm lãnh đạo cấp xã nếu để hoang phí đất nông nghiệp
Kinhtedothi - Để tránh lãng phí nguồn lực đất đai, UBND huyện Phúc Thọ đề nghị các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của TP Hà Nội và Ban Thường vụ Huyện uỷ Phúc Thọ về quản lý đất nông nghiệp; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền để xảy ra tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang.
Còn tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp
Xã Trạch Mỹ Lộc có tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp gần 450ha. Địa bàn xã đồng đất đồi gò, với 2 thôn nằm ngoài đê sông Tích, hàng năm thường xuyên bị ngập úng trong mùa mưa lũ, khiến khoảng 50ha đất trồng lúa vụ Mùa của thôn Mỹ Giang và Vân Lôi bị ảnh hưởng.
Những năm qua, Đảng ủy, UBND xã đã tập trung chỉ đạo sản xuất chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, giúp giảm thiểu tình trạng đất bỏ hoang, duy trì vùng lúa chất lượng cao 30ha/năm.
Năm 2024, xã Trạch Mỹ Lộc đã rà soát và xác định diện tích đất bỏ hoang là 9ha. Đảng ủy, UBND xã đã giao các đoàn thể triển khai sản xuất, trong đó Hội Nông dân, Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ và Đoàn Thanh niên gieo trồng cây vụ Xuân trên 6,7ha.

Huyện Phúc Thọ tích cực chuyển đổi sản xuất để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp.
Hiện, trên địa bàn xã còn khoảng 3,3ha đất bỏ hoang do nằm ở vùng trũng, vùng đồi gò khó canh tác ở các khu đồng: Cầu Nhội, Trạch Lôi, Thuần Mỹ, Vân Lôi…
Tại địa bàn xã Tích Lộc hiện nay diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang lớn hơn nhiều, vào khoảng 40ha, tập trung tại các sứ đồng ở ngoài đê (không sản xuất vào vụ Mùa do nước sông Tích lên cao gây ngập úng) gồm các xứ đồng: Đồng Ngo, Đồng Ó, Đồng Bần…
Ngoài ra, trên địa bàn xã Tích Lộc còn diện tích bỏ hoang rải rác trên các cánh đồng như: Đồng Dọng, Đồng Tông, Vũng Muống, Cửa Hàng, Cửa Đình, Đồng Sấu, Đồng Dường...
Không chỉ tại 2 xã Trạch Mỹ Lộc và Tích Lộc, thống kê chưa đầy đủ của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Phúc Thọ, tại 10 xã khác cũng có tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Tổng diện tích đất nông nghiệp không canh tác trong vụ mùa gần nhất lên tới hàng trăm héc-ta.
Gắn trách nhiệm người đứng đầu
Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của huyện Phúc Thọ được quan tâm và có nhiều chuyển biến tích cực. Các chính sách hỗ trợ sản xuất của huyện được đẩy mạnh, đã bước đầu đã khắc phục được tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang.
Sản xuất nông nghiệp cơ bản được thực hiện theo quy hoạch. Nhân dân đã thực hiện sản xuất theo vùng; một số vùng sản xuất tập trung được hình thành và phát triển. Dù vậy, sản xuất quy mô nhỏ, kém hiệu quả, sản xuất không đúng với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Cá nhân, tổ chức thuê mượn đất nông nghiệp để sản xuất tập trung còn nhiều khó khăn; chưa có nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo thế mạnh của địa phương. Tại một số xã, vẫn còn tình trạng người dân bỏ hoang nhiều diện tích đất nông nghiệp…

Huyện Phúc Thọ sẽ xem xét trách nhiệm lãnh đạo cấp xã để xảy ra tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp.
Những tồn tại, hạn chế nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan như phát triển các ngành nghề, đất nằm trong vùng trũng, vùng đồi gò khó sản xuất, còn nguyên nhân chủ quan là do nhận thức của người dân về Luật Đất đai năm 2024 còn chưa đầy đủ, còn tư tưởng trông chờ Nhà nước thu hồi đất; chưa làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; một số cấp uỷ, chính quyền chưa thực sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, gây lãng phí tài nguyên.
Để khắc phục tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang, Ban Thường vụ Huyện uỷ Phúc Thọ đã ban hành Chỉ thị số 48-CT/HU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác quản lý, khắc phục diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang trên địa bàn huyện Phúc Thọ. Đây được xem là “bài thuốc” để trị “bệnh” lãng phí đất nông nghiệp trên địa bàn huyện nói riêng.
Theo Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, việc để đất nông nghiệp bỏ hoang tại nhiều xã thời gian qua có nguyên nhân là lãnh đạo địa phương chưa thực sự quan tâm. Do đó, trong thời gian tới, đề nghị các xã, thị trấn tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của TP Hà Nội và Ban Thường vụ Huyện uỷ về quản lý đất nông nghiệp; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền để xảy ra tình trạng để đất nông nghiệp bỏ hoang.
UBND huyện Phúc Thọ sẽ tiếp tục tăng cường chỉ đạo quản lý Nhà nước về đất đai; thực hiện thanh tra, kiểm tra; giải quyết các kiến nghị, đề xuất của Nhân dân liên quan đến tổ chức sản xuất trên đất nông nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc để đất nông nghiệp bỏ hoang, không sử dụng đúng mục đích.
Trích dẫn
“Thực tế cho thấy, có những vị trí đất rất đẹp, có thể canh tác được nông nghiệp nhưng vẫn bị bỏ hoang cả chục năm nay. Ai là người phải chịu trách nhiệm cho việc lãng phí đất nông nghiệp? Đây là vấn đề cần làm rõ…” - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn.

Sắp đấu giá 6 thửa đất tại huyện Phúc Thọ, khởi điểm từ 8,9 triệu/m2
Kinhtedothi - 6 thửa đất tại Khu Dộc Tranh (xã Trạch Mỹ Lộc) và Khu Đồng Cầu Lọc (xã Ngọc Tảo) sẽ được huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) tổ chức đấu giá vào giữa tháng 5/2025. Mức giá đấu khởi điểm từ 8,9 triệu đồng/m2.

10 nhà giáo tranh tài tại Chung khảo Giải thưởng “Nhà giáo Phúc Thọ tâm huyết, sáng tạo” năm 2025
Kinhtedothi - Ngày 12/5, Phòng GD&ĐT huyện Phúc Thọ phối hợp với Liên đoàn Lao động huyện Phúc Thọ tổ chức Chung khảo Giải thưởng “Nhà giáo Phúc Thọ tâm huyết, sáng tạo” năm 2025. Đây là năm thứ ba Giải thưởng được tổ chức.

Đầu tháng 6/2025, đấu giá đất tại huyện Phúc Thọ, khởi điểm từ 7,9 triệu/m2
Kinhtedothi - 4 thửa đất tại Khu Đồng Phươm (xã Thọ Lộc, nay là xã Tích Lộc) và Khu Gạc Chợ (xã Tam Hiệp) sẽ được huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội) tổ chức đấu giá vào đầu tháng 6/2025. Mức giá đấu khởi điểm chỉ từ hơn 7,9 triệu đồng/m2.