Huyện Quốc Oai: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội, huyện Quốc Oai trở thành một trong 5 địa phương có đông đồng bào dân tộc Mường sinh sống tập trung của Thủ đô. Bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào trên cơ sở bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được TP và huyện Quốc Oai đặc biệt quan tâm.

 Lớp tập huấn cồng chiêng cho đồng bào dân tộc Mường, huyện Quốc Oai đầu năm 2018. 

Truyền thống không bị nhạt phai

Những năm gần đây, đồng bào dân tộc Mường tại 2 xã Đông Xuân và Phú Mãn (huyện Quốc Oai) đã dần quen với sự trở lại của tiếng cồng, tiếng chiêng mỗi dịp lễ hội. Đời sống khó khăn khiến nhiều năm trở về trước, văn hóa cồng chiêng gần như bị quên lãng.

Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Phan Văn Phú cho biết, để gây dựng lại văn hóa cồng chiêng, huyện Quốc Oai đã quan tâm, chỉ đạo công tác bảo tồn.

Điểm nhấn trong công tác này là ngày 22/3/2016, huyện Quốc Oai với sự tham vấn của Ban Dân tộc TP ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Sau khi Đề án được phê duyệt, huyện đã tổ chức 8 lớp tập huấn về cồng chiêng cho trên 450 lượt đồng bào thuộc nhiều lứa tuổi, giới tính và giai tầng xã hội; Chủ động bố trí kinh phí mua sắm, trao tặng 12 bộ cồng chiêng cho các xã, thôn tập trung đông đồng bào sinh sống. 2 đội cồng chiêng nòng cốt ở 2 xã Đông Xuân và Phú Mãn cũng đã được xây dựng. Hàng năm, huyện tổ chức các hội thi biểu diễn cồng chiêng, thu hút sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân.

Cùng với sự trở lại của tiếng cồng, tiếng chiêng, huyện Quốc Oai tiếp tục duy trì và phát triển các môn thể thao truyền thống của đồng bào vùng dân tộc như bắn nỏ, đẩy gậy, ném còn…

Chú trọng công tác tuyên truyền

Kể từ khi hợp nhất về Thủ đô Hà Nội, huyện Quốc Oai đã được TP quan tâm, đầu tư nguồn lực lớn suốt từ năm 2010 đến nay thông qua Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” và hai Kế hoạch số 166 - 138 cụ thể hóa Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô”. Qua đó, góp phần thay đổi căn bản diện mạo cho địa phương này.

Trong sự phát triển đó, công tác bảo tồn văn hóa truyền thống luôn giữ một vai trò quan trọng. Dù vậy, nguy cơ mai một cũng hiện hữu trong xu thế kinh tế thị trường hiện nay. Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quốc Oai Nguyễn Vũ Hán chỉ ra rằng: Việc đồng bào sinh sống không tập trung, kinh tế còn nhiều khó khăn làm giảm mối quan tâm tới nâng cao chất lượng đời sống văn hóa tinh thần. Công tác sưu tầm, dàn dựng, khai thác các giá trị văn hóa cũng còn nhiều hạn chế…

Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đồng bào, thông qua bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống là một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện mục tiêu xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc của TP. Để bản sắc văn hóa dân tộc Mường tại huyện Quốc Oai nói riêng, vùng đồng bào dân tộc của Thủ đô nói chung không bị nhạt phai, ông Vinh kiến nghị TP tiếp tục có chính sách hỗ trợ về tài chính; các địa phương tạo môi trường cho những người có tâm huyết và năng khiếu sáng tác, sưu tầm, dàn dựng, bảo tồn những giá trị, nét đẹp văn hóa. Khuyến khích việc sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống. Đồng thời, tăng cường tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý, gìn giữ và phát huy các hoạt động văn hóa, lễ hội dân gian.

Các sở ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện thường xuyên, có hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền để đồng bào các dân tộc, nhất là thế hệ trẻ thấy được bản thân là nhân tố quan trọng, cũng là nhóm đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ việc làm tốt công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa truyền thống...”.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần