Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Quốc Oai chậm xử lý lò gạch thủ công tại xã Cộng Hoà

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau gần 20 năm đi vào hoạt động, đến nay lò gạch thủ công của ông Vương Trí Quý vẫn ngang nhiên tồn tại trên 13.109m2 đất nông nghiệp của xã Cộng Hoà, huyện Quốc Oai. Lò gạch của ông Quý không chỉ gây ô nhiễm môi trường cho khu dân cư và các trường học, cùng với đó còn làm ảnh hưởng đến khu di tích Quốc gia đặc biệt Đình So.

 Không hiểu vì lý do gì đến nay lò gạch thủ công của ông Quý vẫn ngang nhiên tồn tại trên đất nông nghiệp
 Lò gạch gây ô nhiễm
 Qua tìm hiểu được biết, thời điểm năm 2003, do khu đất nông nghiệp Sông Quán dưới nằm gần đường giao thông, gần một số trường học và cách khu di tích Quốc gia đặc biệt Đình So khoảng 200m sản xuất kém hiệu quả nên UBND xã ký hợp đồng cho ông Vương Trí Quý thuê 13.109m2 để sản xuất nguyên vật liệu xây dựng. Sau đó ông Quý xây dựng lò gạch thủ công rồi hoạt động nhiều năm qua làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, học sinh bởi bụi và khói lò mỗi khi đốt gạch.
 Năm 2017, UBND TP đã quyết liệt chỉ đạo các huyện xoá bỏ lò gạch thủ công không phù hợp quy hoạch và gây ô nhiễm môi trường, thời gian thực hiện trong năm 2018 sẽ phải hoàn thành để bàn giao mặt bằng đưa vào sản xuất. Nhưng do thời gian này lò gạch của ông Quý vừa được cải tạo nên mức độ gây ô nhiễm đã giảm, vì vậy được kéo dài đến năm 2020 mới phải chấm dứt hoạt động.
Cùng với đó, ngày 27/12/2018, UBND huyện Quốc Oai ban hành Quyết định số 5759/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chung xây dựng xã Cộng Hoà đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 thì khu vực Sông Quán (nơi lò gạch của ông Quý toạ lạc) là khu vực đất thương mại dịch vụ.
Trái ngược với việc thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP về lộ trình xoá bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn, đặc biệt với lò gạch không phù hợp quy hoạch lại nằm gần khu dân cư gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì đến nay việc chính quyền địa phương huyện Quốc Oai vẫn để lò gạch của ông Quý tồn tại đã, đang gây bức xúc cho người dân.
Đặc biệt cùng với đó, từ tháng 4/2021 đến nay, UBND xã Cộng Hoà không ký hợp đồng cho thuê đất nữa nhưng ông Quý vẫn sử dụng mặt bằng để sản xuất vật liệu xây dựng và đốt gạch khiến người dân và cán bộ địa phương thêm phần bức xúc.
 Lò gạch thủ công của ông Quý đang hàng ngày gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan khiến người dân bức xúc
 Không nằm trong quy hoạch
Cùng với những việc làm trái chiều nêu trên, ngày 16/12/2020, phòng Kinh tế huyện có văn bản số 168/KT gửi các phòng, ban chuyên môn và Đảng uỷ, UBND xã Cộng Hoà xin ý kiến chuyển đổi sản xuất gạch nung công nghệ lò vòng cải tiến sang công nghệ Tuynel tiên tiến của Công ty đầu tư và xây dựng Mỹ Hoa.
Sau đó, ngày 21/12/2020, Đảng uỷ xã Cộng Hoà có văn bản số 12-NQ/ĐU có nội dung: “Nhất trí với chủ trường đề xuất chuyển đổi sản xuất gạch nung công nghệ lò vòng cải tiến sang công nghệ Tuynel tiên tiến của Công ty đầy tư và xây dựng Mỹ Hoa để bảo đảm môi trường đời sống Nhân dân trên địa bàn”. Cùng với việc ban hành văn bản  số 12-NQ/ĐU gửi các đơn vị, Đảng uỷ xã Cộng Hoà còn giao cho UBND xã có văn bản phúc đáp phòng Kinh tế.
 Để làm rõ bản chất sự việc, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND xã Cộng Hoà Đức Thị Hoà, qua đó bà Hoà thừa nhận việc lò gạch của ông Quý tồn tại nhiều năm qua trên khu đất thuê thầu của UBND xã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân và cảnh quan khu vực là đúng.
Do vậy, việc chuyển đổi mô hình sản xuất gạch phục vụ xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, ổn định tình hình là cần thiết nhưng phải phù hợp với quy hoạch chung của xã đã được các cấp, ngành phê duyệt. Cùng với đó không được gây ảnh hưởng đến đời sống người dân và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đình So là việc làm cấp thiết cần được xem xét kỹ lưỡng.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin nội dung vụ việc.