Còn nương tay với vi phạmTrong số 7 xã ven sông có hoạt động tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng trái phép, xã Trung Giã là trọng điểm tồn tại nhiều vi phạm nhất. Hiện, trên địa bàn xã có 3 bến bãi nhưng có tới 24 chủ đang sở hữu, hoạt động ven các tuyến sông Công, sông Hòa Bình, sông An Lạc. Còn lại các xã: Bắc Phú, Tân Hưng, Việt Long, Kim Lũ, Xuân Giang, Xuân Thu – mỗi địa phương có 1 bến bãi.
Từ đầu năm 2019 đến nay, các lực lượng chức năng huyện Sóc Sơn đã phát hiện, xử lý 35 trường hợp vi phạm hành chính về đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường và bến thủy nội địa. Theo đó, đã tịch thu 1 phương tiện tàu thuyền, 3 đầu máy nổ và xử phạt vi phạm gần 1,8 tỷ đồng. |
Mặc dù số lượng bến bãi đã được xác định rõ ràng, tuy nhiên, công tác xử lý của chính quyền nơi đây lại chưa thực sự dứt điểm. Đơn cử như tại xã Trung Giã, địa phương này đã có thông báo đến từng chủ hộ, yêu cầu giải tỏa vật liệu xây dựng tập kết tại các bến bãi có vi phạm. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã xử phạt 23 trường hợp nhưng tổng mức phạt chỉ là… 79 triệu đồng. Song đáng nói là hiện nay các vi phạm vẫn tồn tại.
Tương tự, tại xã Bắc Phú, 2 chủ bến bãi là ông Nguyễn Văn Hoằng và bà Nguyễn Thị Yên cũng đã bị chính quyền địa phương xử phạt vi phạm với tổng số tiền 50 triệu đồng hồi tháng 7/2019. Tuy nhiên đến nay, hai bãi chứa có vi phạm của ông Hoằng, bà Yên vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Đối với các bến bãi khác được xác định hoạt động chủ yếu trên đất nông nghiệp của người dân được giao theo Nghị định số 64/NĐ-CP của Chính phủ, và đất công do UBND các xã quản lý, việc xử lý cũng rất chậm. Mức xử phạt vi phạm hành chính cũng được đánh giá là còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe.
Cần có cơ chế cho thuê bến bãiLý giải về việc chậm xử lý các bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng ven sông, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, một số bến bãi đang tồn tại là do... yếu tố lịch sử (?!) Đơn cử như tại xã Trung Giã, các bến bãi hình thành và được vận hành từ những năm 1970, là công trường của Hợp tác xã Khai thác cát sỏi Sông Công. Khi thực hiện Nghị định số 64/NĐ-CP, các hộ dân này không được giao đất để sản xuất nông nghiệp, không có nghề gì khác ngoài khai thác cát sỏi. Do đó, nếu không cho các bến bãi hoạt động thì công tác giải quyết lao động, việc làm sẽ rất khó khăn.
Một nguyên nhân khác cũng được đại diện UBND huyện Sóc Sơn đưa ra có liên quan tới khía cạnh pháp lý. Cụ thể, thẩm quyền giao, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ đã được quy định tại Luật Đất đai 2013; Nghị định số 43/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ, và Thông tư số 30/2014/TT-BTNMT ngày 2/6/2014 của Bộ TN&MT. Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội hiện vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết trình tự và thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư đối với hộ gia đình, cá nhân; cũng chưa có thủ tục hành chính về giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp huyện.
Để thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về đất đai, khoáng sản, bà Vi Thị Bình Anh kiến nghị TP chỉ đạo các sở ngành tham mưu, ban hành thủ tục hành chính hướng dẫn việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; trình tự lập và phê duyệt dự án đầu tư sản xuất kinh doanh đối với hộ gia đình, cá nhân thuộc thẩm quyền cấp huyện. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo Công an TP Hà Nội tăng cường lực lượng, chủ động phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn trong việc kiểm tra, bắt giữ, xử lý nghiêm các phương tiện, tàu thuyền không có giấy phép hành nghề, khai thác khoáng sản trái phép trên các tuyến sông.