Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Huyện Sóc Sơn chú trọng bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được huyện Sóc Sơn đặc biệt quan tâm. Địa phương xác định đây sẽ vẫn là nhiệm vụ hết sức quan trọng nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân trong giai đoạn tới.

Theo ông Đoàn Văn Sinh - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Sóc Sơn - địa phương có 2 di sản văn hóa phi vật thể đã được ghi danh. Cụ thể là: Hội Gióng tại đền Sóc (xã Phù Linh) và nghi lễ kéo mỏ tại thôn Xuân Lai (xã Xuân Thu).

Ngoài 2 di sản kể trên, huyện còn có 2 di sản văn hóa phi vật thể có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ gồm: Lễ hội đền Sọ (hay còn gọi là đền Tam Tổng) tại xã Phù Lỗ; Hội Húc cầu ở thôn Xuân Dục (xã Tân Minh); cùng một số lễ hội đình làng trên địa bàn huyện.

Tượng đài Thánh Gióng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn).
Tượng đài Thánh Gióng tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Sóc (huyện Sóc Sơn).

Trước yêu cầu đặt ra cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa di sản phi vật thể, mới đây, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành Kế hoạch số 104/KH-UBND về Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể huyện Sóc Sơn đến năm 2025. Trong đó, đề ra các nhóm giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện.

Cụ thể, đối với Hội Gióng tại đền Sóc, và nghi lễ kéo mỏ tại thôn Xuân Lai, UBND huyện Sóc Sơn sẽ Triển khai thực hiện các nội dung đã cam kết với UNESCO khi đăng ký ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Xây dựng báo cáo định kỳ về hiện trạng bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo quy định. Các địa phương có di sản xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh, công nhận.

Đối với lễ hội đền Sọ và hội Húc cầu ở thôn Xuân Dục, huyện sẽ ưu tiên các nguồn lực đầu tư; tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa di sản; ghi hình tư liệu nhằm nhận diện giá trị di sản; phục dựng, thực hành góp phần bảo vệ và phát huy giá trị di sản có nguy cơ mai một, cần ưu tiên bảo vệ. Biên soạn sách giới thiệu, tài liệu truyền dạy về di sản nhằm lưu giữ và trao truyền lại di sản cho thế hệ sau.

Ngoài các di sản văn hóa phi vật thể, UBND huyện Sóc Sơn cũng đề ra nhiều nhiệm vụ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo các loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể gồm: Loại hình lễ hội truyền thống, loại hình nghề thủ công truyền thống, loại hình ngữ văn dân gian, loại hình tri thức dân gian, và cuối cùng là loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng.

Thời gian tới, UBND huyện Sóc Sơn sẽ phát huy tính chủ động, tích cực của cộng đồng trong tổ chức, quản lý, đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi ý nghĩa, nội dụng các giá trị tiêu biểu, độc đáo của lễ hội truyền thống. Hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ, tổ chức hội thi, liên hoan; phục dựng, khai thác nghệ thuật trình diễn dân gian tiêu biểu của địa phương.

Khuyến khích việc duy trì, phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu. Đồng thời, nghiên cứu, sưu tầm, dịch thuật: Sử thi, ca dao, tục ngữ, hò, vè, câu đối… và các biểu đạt khác được truyền tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết làm phong phú thêm kho tàng ngữ văn dân gian...