Huyện Sóc Sơn: Không để chợ Phủ Lỗ trở thành điểm nóng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Quyết định số 2212/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, thời gian qua, bên cạnh đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh chấp hành quy định pháp luật, huyện Sóc Sơn chủ trương thực hiện nghiêm các biện pháp hành chính nhằm chấn chỉnh hoạt động tại chợ Phủ Lỗ.

Chưa có phương án giải quyết triệt để

Theo UBND huyện Sóc Sơn, năm 2005 toàn bộ các sạp hàng đấu thầu năm 1994 hết hạn sử dụng (10 năm) và các hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ muốn tiếp tục kinh doanh phải đóng giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng theo quy định.

Năm 2005, toàn bộ các sạp hàng khu vực chợ cầu (những dãy bán hàng bên ngoài chợ chính) đều thực hiện ký hợp đồng thuê địa điểm kinh doanh (ban đầu hợp đồng có thời hạn 1 năm, từ năm 2009 hợp đồng có thời hạn 2 năm, từ năm 2017 hợp đồng có thời hạn 5 năm).

Sau nhiều năm, chợ Phủ Lỗ tại huyện Sóc Sơn vẫn chưa thể đi vào hoạt động ổn định. Ảnh: Lâm Nguyễn
Sau nhiều năm, chợ Phủ Lỗ tại huyện Sóc Sơn vẫn chưa thể đi vào hoạt động ổn định. Ảnh: Lâm Nguyễn

Trong khi đó, 194 sạp hàng tại khu vực nhà chợ chính lại không chấp hành việc ký hợp đồng và đóng phí sử dụng diện tích chỗ ngồi trong năm 2005, với lý do mới cháy chợ, các hộ kinh doanh thiệt hại kinh tế lớn. Đồng thời tại thời điểm năm 2005, do mới cháy chợ, các hộ kinh doanh bức xúc nên UBND huyện Sóc Sơn giao cơ quan chức năng quản lý chợ sắp xếp chỗ ngồi cho các hộ kinh doanh tại khu vực nhà chợ chính và việc ký hợp đồng do đó chưa thể triển khai được.

Vào các năm 2006 - 2007, UBND huyện Sóc Sơn ban hành các Quyết định số 3018/QĐ-UBND và 3155/QĐ-UBND về việc ban hành tạm thời mức thu phí diện tích chỗ ngồi kinh doanh. Toàn bộ các sạp hàng khu vực chợ cầu đều chấp hành việc ký hợp đồng và đóng giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng. Ở chiều ngược lại, 194 sạp hàng nhà chợ chính chỉ chấp hành đóng phí sử dụng diện tích chỗ ngồi nhưng không thực hiện ký hợp đồng.

Từ năm 2007 - 2015, chỉ có các sạp hàng tại khu vực chợ cầu chấp hành việc ký hợp đồng và đóng giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng theo quy định. Các sạp hàng khu vực chợ chính tiếp tục không chấp hành việc ký hợp đồng mà chỉ đóng giá dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng.

Theo Trưởng ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thành, từ năm 2015, các ki-ốt cũ đã hết thời hạn sử dụng theo giấy chứng nhận sử dụng, đơn vị đã thông báo việc ký lại các hợp đồng. Tuy nhiên, các hộ tiểu thương sử dụng những ki-ốt này không đồng ý, không ký hợp đồng và không đóng giá dịch vụ.

Kể từ năm 2017, các sạp hàng nhà chợ chính dừng đóng giá dịch vụ. Không chỉ vậy, trong giai đoạn từ năm 2017 đến nay, các hộ còn kéo theo một số sạp hàng nhà chợ cầu dừng đóng giá dịch vụ và dừng ký hợp đồng. Sự việc diễn ra nhiều năm nhưng vẫn chưa có phương án giải quyết triệt để.

Còn thiếu sót trong quản lý

Theo đánh giá của UBND huyện Sóc Sơn, quá trình hoạt động của chợ Phủ Lỗ qua các thời kỳ cho thấy còn có những thiếu sót trong công tác quản lý, ban hành văn bản. Chính điều này đã dẫn đến việc các hộ tiểu thương dựa vào một số giấy tờ sai sót để làm căn cứ không chấp hành theo sự chỉ đạo của Ban Quản lý chợ và các cấp chính quyền.

Cụ thể vào năm 1994, khi tổ chức đấu thầu các ki-ốt, sạp hàng chợ Phủ Lỗ: Tại Thông báo số 821/TB-UB ngày 9/12/1994 đã nêu rõ phương thức đấu thầu để cho thuê ki-ốt, sạp hàng với thời hạn sử dụng ki-ốt là 20 năm, sạp hàng là 10 năm. Tuy nhiên, khi thực hiện, một số phiếu thu tiền của các hộ tiểu thương có ghi nội dung “nộp tiền mua ki-ốt”, dẫn đến việc hiểu không đúng về quyền sử dụng đối với các ki-ốt, sạp hàng và các tiểu thương có đơn thư kéo dài.

Cũng vào năm 1994, do chưa có quy định cụ thể về phương thức quản lý đối với các ki-ốt, sạp hàng tại các chợ nên Ban Quản lý chợ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng sạp hàng, ki-ốt cho các hộ tiểu thương. Trong giấy chứng nhận đã ghi rõ thời gian sử dụng ki-ốt là 20 năm và thời gian sử dụng sạp hàng là 10 năm.

Tuy nhiên, đến năm 2005 sau khi xây dựng lại chợ, Ban Quản lý chợ thực hiện cấp giấy chứng nhận cho các ki-ốt mới, đồng thời sắp xếp lại chỗ ngồi cho các hộ kinh doanh vào khu vực nhà chợ chính nhưng không ký hợp đồng.

Trong khi đó lại thực hiện ký hợp đồng với toàn bộ các sạp hàng nhà chợ cầu (cũ và mới), là thực hiện không đúng quy định tại khoản 2, Điều 8 Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14/1/2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ “Ban Quản lý chợ thực hiện ký hợp đồng với thương nhân về thuê, sử dụng điểm kinh doanh”.

Trong quá trình quản lý, Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn vẫn xác nhận các hợp đồng chuyển nhượng đối với các ki-ốt, sạp hàng sau khi thời hạn sử dụng các ki-ốt, sạp hàng đã hết hạn. Điều này dẫn đến khó khăn trong quá trình giải quyết vướng mắc về sau này.

Trước những tồn tại nêu trên, UBND huyện Sóc Sơn đã thực hiện kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với cán bộ, lãnh đạo quản lý chợ Phủ Lỗ qua các thời kỳ có liên quan. Đặc biệt là trong việc cấp phiếu thu, giấy chứng nhận, giấy chuyển nhượng không đúng quy định cũng như trong công tác chỉ đạo thực hiện các văn bản pháp luật liên quan đến quản lý, vận hành hoạt động chợ Phủ Lỗ.

Lập biên bản xử phạt 15 hộ kinh doanh

Từ thực tế nêu trên, để đảm bảo việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý chợ Phủ Lỗ nói riêng và các chợ trên địa bàn huyện nói chung, UBND huyện Sóc Sơn xét thấy cần thiết phải sử dụng các biện pháp hành chính buộc các hộ kinh doanh chấp hành quy định của pháp luật hiện hành.

Theo đó, UBND huyện đã thành lập Tổ công tác kiểm tra việc quản lý, sử dụng tài sản công tại chợ Phủ Lỗ. Từ đó, xác định hành vi tiếp tục sử dụng sạp hàng, ki-ốt không ký hợp đồng và đóng giá dịch vụ, thuê sạp hàng, ki-ốt khi thời hạn đã hết của các hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ là hành vi chiếm đoạt tài sản công theo Điều 12 của Nghị định 63/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính phủ.

Tính đến cuối tháng 10/2022, Tổ công tác của huyện Sóc Sơn đã kiểm tra, thiết lập biên bản vi phạm hành chính đối với 15 hộ kinh doanh. Đồng thời, tống đạt quyết định khắc phục hậu quả đến 9 hộ và trình dự thảo quyết định cưỡng chế buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả đối với 6 hộ tiểu thương tại chợ Phủ Lỗ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ kinh doanh; cắt nghĩa từng câu từ ghi không chính xác, đặt trong bối cảnh năm 1994 để người dân hiểu và nghiêm túc chấp hành quy định của pháp luật.

Kết hợp cùng tuyên truyền, vận động, đại diện lãnh đạo UBND huyện Sóc Sơn cho biết sẽ không loại trừ việc sử dụng các biện pháp hành chính buộc các hộ kinh doanh chấp hành pháp luật nhằm ổn định an ninh trật tự trên địa bàn; không để chợ Phủ Lỗ trở thành điểm nóng, tạo tiền đề cho các chợ khác trên địa bàn huyện tiếp tục vi phạm quy định về sử dụng tài sản công.

 

Năm 2015, các ki-ốt cũ hết hạn sử dụng, Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn yêu cầu các hộ kinh doanh phải thực hiện việc ký hợp đồng nếu tiếp tục có nhu cầu kinh doanh.

Không đồng ý với nội dung trên, các hộ kinh doanh tại khu vực ki-ốt cũ đã làm đơn khiếu nại lên UBND huyện. Ngày 17/11/2015, UBND huyện Sóc Sơn ban hành Quyết định số 7529/QĐ-UBND về việc giải quyết khiếu nại của một số cá nhân, hộ kinh doanh tại ki ốt thuộc chợ Phủ Lỗ.

Không đồng tình với kết quả trả lời khiếu nại của UBND huyện, các hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ gửi đơn khiếu nại lên UBND TP Hà Nội. Ngày 9/5/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2212/QĐ-UBND về việc giải quyết đơn khiếu nại (lần hai) của một số hộ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ, huyện Sóc Sơn; trong đó, bác bỏ kiến nghị của các hộ tiểu thương chợ Phủ Lỗ và đề nghị UBND huyện Sóc Sơn thực hiện theo đúng các quy định về quản lý chợ của TP Hà Nội.