Huyện Sóc Sơn: ngăn chặn nguy cơ lây lan bệnh dại
Xử lý kịp thời
Mới đây, tại thôn Ninh Cầm (xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn) đã ghi nhận 1 trường hợp người dân bị chó cắn. Con chó này sau đó được xác định là mắc bệnh dại.
Ngay lập tức, chính quyền xã Tân Dân đã phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn xử lý (tiêu huỷ) con chó có nguồn bệnh theo quy định. Người dân bị chó cắn cũng được đưa đi tiêm kịp thời.

Chủ tịch UBND xã Tân Dân Ngô Thanh Bình cho biết, trên địa bàn xã hiện có hơn 3.000 con chó. Để ngăn chặn nguy cơ lây lan của bệnh dại, chính quyền địa phương đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn tổ chức tiêm vaccine phòng dại cho đàn chó.
“Tính đến nay, hơn 1.000 con chó của 5/12 thôn trên địa bàn xã Tân Dân đã được tiêm vaccine phòng dại. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai tiêm vaccine cho số chó còn lại…” - ông Ngô Thanh Bình thông tin thêm.
Không chủ quan
Theo thống kê, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn huyện Sóc Sơn có hơn 83.000 con với trên 36.000 hộ chăn nuôi; trong đó: đàn chó khoảng 69.000 con, còn lại là đàn mèo. Đây cũng là địa phương có tổng đàn chó, mèo lớn nhất của Hà Nội.
Hiện, phương thức chăn nuôi chó, mèo tại huyện Sóc Sơn chủ yếu là nuôi nhỏ lẻ để trông giữ nhà; một số ít hộ chăn nuôi thương phẩm. Ngoài ra, tại khu vực thị trấn đông dân cư, có kinh tế phát triển, chó, mèo được nuôi làm thú cưng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn cho biết, trong những năm qua, công tác phòng, chống dịch bệnh động vật nói chung, trên đàn chó, mèo nói riêng được địa phương đặc biệt quan tâm. Dù vậy, do tổng đàn chó, mèo lớn; địa bàn lại rộng và giáp ranh nhiều tỉnh nên việc quản lý gặp nhiều khó khăn.
Hiện nay, cùng với chỉ đạo các phòng ban phối hợp chính quyền các địa phương tổ chức tiêm phòng triệt để cho đàn chó, mèo, huyện Sóc Sơn đề nghị đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người nuôi chó, mèo giám sát chặt chẽ sức khoẻ đàn chó, mèo; thực hiện nuôi nhốt, không thả rông chó, mèo theo quy định.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sóc Sơn khuyến cáo, trường hợp người dân phát hiện chó, mèo mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh dại, phải báo ngay cho chính quyền cơ sở hoặc nhân viên chăn nuôi thú y hoặc cơ quan thú y, y tế nơi gần nhất để thực hiện các biện pháp ứng phó, xử lý kịp thời.
Khuyến cáo khi bị chó, mèo cắn: Người bị chó, mèo nghi mắc dại cắn hoặc cào, cần rửa ngay vết thương với xà phòng và nước sạch dưới vòi chảy liên tục trong thời gian khoảng 10 - 15 phút, sau đó sát khuẩn bằng cồn 70 độ hoặc các chất sát khuẩn khác để làm giảm thiểu lượng virus dại tại vết cắn. Đồng thời, báo ngay cho UBND cấp xã, trạm y tế, cán bộ phụ trách chăn nuôi thú y để được hướng dẫn xử lý an toàn.

Huyện Sóc Sơn: coi trọng chất lượng, tính kế thừa của nhân sự Đại hội Đảng
Kinhtedothi - Nhấn mạnh Đại hội Đảng các cấp là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng trong năm 2025, Bí thư Huyện uỷ Sóc Sơn Bùi Duy Cường đề nghị Đảng uỷ các xã, thị trấn chú trọng làm tốt công tác nhân sự, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy trình.
Hà Nội: thành lập, tổ chức lại các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Sóc Sơn
Kinhtedothi - Chiều 26/2, HĐND huyện Sóc Sơn khoá XX (nhiệm kỳ 2021 - 2026) tổ chức Kỳ họp 23 (Kỳ họp chuyên đề). Tại kỳ họp, HĐND huyện Sóc Sơn đã thông qua nghị quyết về việc thành lập, tổ chức lại các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Sóc Sơn.

Huyện Sóc Sơn bổ nhiệm lãnh đạo các phòng chuyên môn sau sắp xếp bộ máy
Kinhtedothi - Chiều 28/2, huyện Sóc Sơn tổ chức Hội nghị công bố các quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Huyện ủy; thành lập mới, hợp nhất một số phòng ban chuyên môn thuộc UBND huyện và công bố các quyết định về công tác cán bộ.