Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Sóc Sơn, tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch vụ Xuân vẫn diễn ra khá phổ biến tại một số xã như: Hiền Ninh, Tân Dân, Quang Tiến, Mai Đình, Phú Cường… Điều này gây ảnh hưởng lớn đến môi trường và cuộc sống của các hộ gia đình sinh sống ven những cánh đồng.
Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Sóc Sơn Lê Thị Hải cho biết, tổng diện tích gieo cấy lúa vụ Xuân 2022 trên địa bàn huyện là hơn 9.500ha. Tương ứng với đó, khối lượng rơm rạ phát sinh sau quá trình thu hoạch vào khoảng hơn 5.700 tấn.
“Hiện, rơm rạ sau thu hoạch trên địa bàn huyện Sóc Sơn chủ yếu được xử lý làm thức ăn cho trâu, bò (khoảng 11%); cày mục ủ hoai tại ruộng hoặc ủ thành phân trồng rau (85%); và đun nấu, làm nấm, tiểu thủ công nghiệp (khoảng 4%)…” - bà Hải thông tin thêm.
Theo Khoản 2 Điều 7 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với các vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung trong đó có hành vi “tự ý đốt rác, chất thải, chất độc hoặc các chất nguy hiểm khác ở khu dân cư, nơi cộng cộng…”.
Để chủ động ngăn chặn tình trạng đốt rơm rạ gây ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân, mới đây huyện Sóc Sơn đã có văn bản chỉ đạo UBND xã, thị trấn đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các nội dung Chỉ thị 15/CT-UBND ngày 18/9/2020 của UBND TP Hà Nội. Các xã, thị trấn đã yêu cầu tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn ký cam kết không đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng không đúng quy định.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, đơn vị hiện đang phối hợp với các tổ chức hội nông dân, phụ nữ, đoàn thanh niên... tăng cường hướng dẫn bà con áp dụng các biện pháp kỹ thuật để xử lý rơm rạ sau thu hoạch. Khuyến khích tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn áp dụng các giải pháp ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm rạ và phụ phẩm cây trồng thân thiện với môi trường nhằm cải tạo đất, tạo nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Hiện, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sóc Sơn tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm vi phạm đối với hành vi đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải khác không đúng quy định theo thẩm quyền và quy định tại Nghị định số 167/NĐ-CP của Chính phủ. Công bố công khai trên hệ thống thông tin của xã, thị trấn về các đối tượng có hành vi vi phạm.
Cũng theo thông tin từ UBND huyện Sóc Sơn, địa phương đã giao các phòng ban chuyên môn tổ chức kiểm tra công tác chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch. Trong đó, phòng Nội vụ thực hiện đánh giá hàng tháng kết quả thực hiện nhiệm vụ của chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong việc để xảy ra việc đốt rơm rạ tại địa phương quản lý.