Huyện Sóc Sơn: Rốt ráo xử lý lò gạch trái phép

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, thời gian qua, huyện Sóc Sơn đã tập trung rà soát, phân loại, xử lý vi phạm nhiều lò gạch trái phép. Địa phương đang phấn đấu chấm dứt hoạt động của các lò gạch có vi phạm trên địa bàn trong năm 2020.

Vẫn còn 7 lò “đỏ lửa” 
Theo rà soát, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có tổng số 60 lò gạch thuộc diện phải tháo dỡ nằm trên địa bàn 10 xã. Sau thời gian rốt ráo vào cuộc xử lý, đến nay, 53/60 lò đã chấm dứt hoạt động. Còn lại 7 lò đang hoạt động thuộc các xã: Tân Dân (1 lò), Đức Hòa (1 lò), Tân Minh (2 lò) và Bắc Phú (3 lò). Trong tổng số 53 lò gạch đã ngừng hoạt động, hiện đã có 51 lò hoàn tất việc tháo dỡ, hoàn trả mặt bằng. Trong khi đó, 2 lò gạch tại các xã: Hiền Ninh và Bắc Sơn đến nay mới tiến hành tháo dỡ được một phần, kết hợp thanh lý tài sản.
Theo tìm hiểu, 7 lò gạch hiện đang hoạt động thuộc quản lý, sở hữu của nhiều DN, hợp tác xã (HTX) khác nhau. 7 đơn vị này gồm HTX Đại Thắng (xã Bắc Phú), Công ty CP Bắc Vọng (xã Bắc Phú), HTX Sản xuất và kinh doanh tổng hợp Đức Hạnh (xã Bắc Phú), Công ty CP Gốm xây dựng và thương mại Tân Hưng (xã Tân Minh), HTX Xuân Sơn (xã Tân Dân), Công ty CP Sản xuất và đầu tư gạch Đức Hòa (xã Đức Hòa), Công ty CP Gốm xây dựng và thương mại Minh Thịnh (xã Tân Minh).
 Một lò gạch hiện đang hoạt động tại xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Trọng Tùng
Đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết, mặc dù địa phương đã có nhiều văn bản chỉ đạo các xã, đơn vị liên quan tập trung xử lý, tuy nhiên, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện khá chậm so với yêu cầu. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn nói riêng còn rất lớn. Thêm nữa, các lò gạch cũng đang tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động…
Hoàn thành xử lý trong năm 2020
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng, chủ trương của địa phương là tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tham gia sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Tuy nhiên, mọi hoạt động kinh tế phải trong khuôn khổ pháp luật và cơ chế cho phép.
Để bảo đảm tiến độ xử lý lò gạch trái phép theo yêu cầu của UBND TP Hà Nội, huyện Sóc Sơn đã nhiều lần làm việc với các xã, đối thoại với DN, HTX, đơn vị có liên quan, từ đó thống nhất kế hoạch cụ thể nhằm xử lý triệt để các vi phạm.
Theo đó, huyện đề nghị các DN sớm bổ sung, làm rõ mục tiêu đầu tư và thực hiện theo giấy phép xây dựng chuyển đổi công nghệ lò tuynel. Đối với các đơn vị đã có quy hoạch, giấy chứng nhận quyển sử dụng đất, cần khẩn trương tháo dỡ lò vòng, lập phương án chuyển đổi lò tuynel. Bên cạnh đó, đẩy nhanh thủ tục hành chính về quyền sử dụng đất và hoàn thiện thủ tục xin cấp phép đầu tư xây dựng theo quy định.
Liên quan đến tiến độ xử lý lò gạch vi phạm, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thu cho biết, địa phương đang yêu cầu các đơn vị hoàn tất thủ tục cần thiết theo quy định trong tháng 10/2020 làm cơ sở để có biện pháp xử lý phù hợp.
"Đối với các lò sản xuất gạch mộc, than của HTX Đại Thắng, HTX Sản xuất và kinh doanh tổng hợp Đức Hạnh, HTX Xuân Sơn, cơ quan chức năng đã có đủ hồ sơ và sẽ tập trung xử lý dứt điểm trong những tháng cuối năm 2020"- ông Nguyễn Văn Thu cho biết.

"Trước yêu cầu về sản xuất sạch, phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, các DN, chủ đầu tư không đáp ứng, bảo đảm được những yêu cầu về thủ tục, không đủ điều kiện hoạt động theo quy định thì phải dừng sản xuất. Về lâu dài, cần có phương án chuyển đổi phù hợp với quy hoạch và điều kiện cụ thể của địa phương." - Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng