Mới xử lý được 50% vi phạm phát sinh
Lợi dụng thời điểm cơ quan chức năng vắng mặt, ông Nguyễn Văn Phương (xã Minh Phú) đã dựng khung sắt, bắn tôn trong phạm vi công trình thuỷ lợi với chiều dài 14m, cao 1,9m. Đáng chú ý khi khu vực vi phạm nằm đối diện khu đầu mối hồ Ban Tiện.
Cũng tại công trình hồ chứa này, trước đó ông Dương Văn Hiển đã xây dựng tường bao với chiều dài 27m, cao 1m. Tường xây dày 110mm tại vị trí K3+063 đến K3+090 thuộc hành lang kênh chính hồ Ban Tiện.
Đây là 2 vi phạm công trình thuỷ lợi mới nhất được Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Sóc Sơn ghi nhận. Trước sự ngang nhiên của các chủ công trình vi phạm, Xí nghiệp đã có văn bản gửi chính quyền xã Minh Phú. Tuy nhiên đến nay, vi phạm vẫn chưa được xử lý.
Theo thống kê của Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Sóc Sơn, trong năm 2021, trên địa bàn huyện ghi nhận 47 trường hợp vi phạm công trình thuỷ lợi. 23 trường hợp vi phạm đã được chính quyền các xã, thị trấn xử lý dứt điểm, hiện còn tồn đọng 24 vi phạm. Ngược về năm 2020, toàn huyện Sóc Sơn ghi nhận số lượng vi phạm ít hơn hẳn với chỉ 16 trường hợp. Trong số này, có 8 vi phạm đã được xử lý dứt điểm, còn lại 8 trường hợp tồn đọng.
Khó khăn từ quy định luật
Theo đánh giá của Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Sóc Sơn, việc xác định chủ thể vi phạm hiện nay gặp nhiều khó khăn do tình trạng mua bán chuyển nhượng những diện tích đất ven hồ chứa rất phức tạp. Các giao dịch không có xác nhận của chính quyền địa phương. Đa số các công trình thuỷ lợi do Xí nghiệp quản lý hiện cũng chưa có mốc giới dẫn đến khó khăn trong việc lập hồ sơ xử lý vi phạm.
Việc xác định điều khoản xử phạt theo Nghị định số 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ lợi và Nghị định số 65/2019/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 104 của Chính phủ hiện cũng còn bất cập. Cụ thể, các trường hợp đổ đất, san gạt, thay đổi hiện trạng trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi hiện chưa được quy định trong Luật Thuỷ lợi.
Những hành vi này cũng không có điều khoản xử phạt vi phạm hành chính trong Nghị định số 104 và Nghị định số 65 của Chính phủ. Từ đó dẫn đến việc phối hợp với chính quyền cơ sở trong xác định điều khoản để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính không dễ thực hiện.
Để công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuỷ lợi trên địa bàn huyện Sóc Sơn đạt hiệu quả, Giám đốc Xí nghiệp thuỷ lợi huyện Sóc Sơn Nguyễn Xung Hiến đề nghị UBND các xã, thị trấn tích cực phối hợp với đơn vị trong việc thiết lập hồ sơ vi phạm phát sinh; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ vi phạm tồn đọng để tiến hành giải toả.
Đặc biệt, các xã, thị trấn cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong xử lý các vi phạm. Bởi theo Hướng dẫn số 144/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội về trình tự kiểm tra, phối hợp xử lý vi phạm, tổ chức quản lý công trình thuỷ lợi sẽ có trách nhiệm lập biên bản, còn trách nhiệm xử lý vi phạm thuộc về chính quyền sở tại.
Về lâu dài, Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thuỷ lợi Hà Nội cần có văn bản đề nghị UBND TP về chủ trương triển khai cắm mốc giới cho hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn huyện Sóc Sơn, đặc biệt là tại khu vực các hồ chứa. Đồng thời, các ngành chức năng sớm có hướng dẫn cụ thể về việc xử lý hành vi đổ đất, san gạt đất làm căn cứ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuỷ lợi.