Huyện Thạch Thất: Bảo tồn bản sắc văn hóa Mường

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Kể từ khi hợp nhất về với Thủ đô, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mường tiếp tục được TP Hà Nội, huyện Thạch Thất quan tâm, gìn giữ và phát triển. Các hủ tục dần được đẩy lùi, đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào ngày một tiến bộ.

 Đồng bào dân tộc Mường huyện Thạch Thất tập luyện Cồng Chiêng. Ảnh: Lâm Nguyễn
Tiếp tục phát huy bản sắc

Ngày 1/12/2016, UBND huyện Thạch Thất ban hành Đề án số 14/ĐA-UBND về “Bảo tồn, khôi phục và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường giai đoạn 2016 - 2020”. Cụ thể hóa việc triển khai Đề án, đến nay, huyện đã tổ chức 2 hội thi biểu diễn văn nghệ, thi kể chuyện về văn hóa dân tộc Mường bằng tiếng dân tộc Mường, hát dân ca Mường, hát ví, hát đối. Hội thi nét đẹp bản Mường cũng được các xã tổ chức hàng năm...

Xác định tầm quan trọng của việc giáo dục thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, huyện Thạch Thất thường xuyên tổ chức trình diễn trang phục dân tộc Mường gắn với biểu diễn văn nghệ cho đối tượng là học sinh. Bên cạnh đó, đã tổ chức 9 lớp truyền dạy, tập huấn, bồi dưỡng nghệ thuật diễn tấu Chiêng Mường cho hơn 800 lượt người, với đối tượng phần lớn là người trẻ.

Để tạo cơ sở vật chất cho công tác bảo tồn, huyện hỗ trợ đầu tư, mua sắm 50 bộ trang phục truyền thống, 25 tủ trưng bày trang phục và 35 bộ Chiêng Mường. Qua đó, nâng tổng số bộ Chiêng hiện có lên 50 bộ, góp phần thúc đẩy bản sắc văn hóa Chiêng Mường trong đồng bào. Văn hóa Chiêng Mường nay đã đi sâu vào đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Thạch Thất, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong những dịp lễ hội, đám cưới, mừng thọ, ngày hội Đại đoàn kết…

Thay đổi nhận thức thế hệ trẻ

Giống như tại nhiều địa phương vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn Thủ đô, công tác bảo tồn văn hóa dân tộc Mường tại huyện Thạch Thất cũng còn gặp rất nhiều khó khăn. Cán bộ chuyên trách công tác dân tộc huyện Thạch Thất Quách Hữu Hiền cho biết, việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Đề án số 14, có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên liên tục. Một bộ phận cán bộ và Nhân dân chưa nhận thức đầy đủ vai trò của văn hóa dân tộc trong phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các đơn vị trong triển khai thực hiện đôi khi còn chưa chặt chẽ…

Theo Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Trần Đức Nguyên, địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến năm 2020 vẫn sẽ là tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của cán bộ và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của bản sắc văn hóa dân tộc Mường. Xây dựng, ban hành quy chế hoạt động công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy văn hóa dân tộc Mường, gắn với hoàn thiện hương ước, quy ước thôn, làng văn hóa tại cơ sở... Hỗ trợ kinh phí và hướng dẫn các xã, thôn, trường học trên địa bàn, hàng năm tổ chức các Hội thi trình diễn trang phục dân tộc Mường, trong đó tập trung vào lứa tuổi trẻ. Đồng thời, tổ chức các hoạt động tập thể, các đợt sinh hoạt văn hóa, văn nghệ bằng tiếng Mường, nhất là đối với thanh, thiếu nhi trong các nhà trường.

Đánh giá về những giải pháp trên, Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho rằng, trong công cuộc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung, các địa phương, bao gồm cả huyện Thạch Thất, cần nêu cao tinh thần, ý thức trách nhiệm từ mỗi cá nhân, mỗi gia đình, dòng họ, làng, bản. Coi trọng công tác truyền dạy tại cộng đồng về văn hóa vật thể, phi vật thể từ lớp người cao tuổi cho thế hệ trẻ, nhằm giữ gìn và từng bước làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc từ thế hệ này đến thế hệ khác. Bởi theo ông Vinh, chỉ khi thế hệ trẻ nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng, có ý thức chung tay gìn giữ, thì bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn Thủ đô mới được bảo tồn và phát triển bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần